Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, ông Prayuth bị đình chỉ chức vụ vào tháng trước trong khi tòa án xem xét một kiến nghị của các đảng đối lập. Các nghị sĩ đối lập đã kiến nghị tòa án quyết định theo luận điểm của họ rằng ông Prayuth, lên nắm quyền vào năm 2014, đã vi phạm giới hạn ghi trong Hiến pháp năm 2017 rằng Thủ tướng chỉ được nắm quyền tối đa 8 năm. 

Ông Prayuth Chan-ocha chính thức trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8/2014 và được bổ nhiệm làm Thủ tướng một lần nữa sau cuộc bầu cử năm 2019. Nếu lấy năm 2014 là thời điểm bắt đầu, thì ông Prayuth đã chạm tới giới hạn pháp lý vào tháng trước. 

Tuy nhiên, ông Prayuth và những người ủng hộ ông lập luận rằng việc đếm ngược tới giới hạn nắm quyền nên bắt đầu khi Hiến pháp hiện thời có hiệu lực vào tháng 4/2017. Như vậy, ông được phép làm Thủ tướng tới năm 2025 nếu được bầu lại sau cuộc tổng tuyển cử sắp tới. 

Tòa án Hiến pháp, gồm 9 thành viên cho biết, do hiến pháp có hiệu lực sau khi ông Prayuth đã lên nắm quyền nên giới hạn nhiệm kỳ không áp dụng cho thời gian ông đã đảm nhiệm trước đó. 

Hiện, giới chức Bangkok đang trong tình trạng cảnh giác rằng biểu tình có thể nổ ra sau khi phán quyết được công bố. Trước đó, một số nhóm biểu tình cho hay họ sẽ xuống đường nếu ông Prayuth thắng kiện.