Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể hiện dấu hiệu nào hướng về áp lực từ Đông Nam Á để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ngày một gia tăng ở Biển Đông. Ông chỉ đơn giản lặp lại lời kêu gọi đối thoại.


{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc phát biểu tại quốc hội Indonesia ở Jakarta. Ảnh: AP

Ông Tập trong cương vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu với các nghị sĩ Indonesia hôm 3/10 đã không hề nhắc tới yêu cầu của khu vực (và cả Washington) rằng, Bắc Kinh cần thương thảo với các nước có chủ quyền ở Biển Đông thông qua kênh đàm phán đa phương chứ không phải cá nhân mỗi quốc gia.

Theo giới phân tích, vấn đề Biển Đông có thể bao trùm hai hội nghị thượng đỉnh khu vực tuần tới mà ông Tập có tham dự. Trong lúc Chủ tịch Trung Quốc thực hiện chuyến công du Đông Nam Á - bao gồm ký kết các thỏa thuận trị giá nhiều triệu USD với Indonesia, thì Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải hoãn chuyến đi đến Đông Nam Á vì sự cố đóng cửa chính phủ.

Cuộc khủng hoảng tại Mỹ đặt ra nghi vấn liệu Obama có thể tham dự hai hội nghị nói trên hay không, vào đúng thời điểm Washington đang nỗ lực thúc đẩy chiến lược tập trung nhiều hơn vào quan hệ với châu Á.

"Về những bất đồng và tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á xung quanh chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải, hai bên phải luôn duy trì sử dụng các biện pháp hòa bình, duy trì hình ảnh rộng lớn hơn của quan hệ song phương và ổn định khu vực", ông Tập nói với các nghị sĩ trong ngày thứ hai thăm quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. "Sự phát triển của Trung Quốc là một lực lượng vì hòa bình và hữu nghị thế giới, mang lại cơ hội phát triển cho châu Á và thế giới chứ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào".

Tháng trước, Philippines đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông - vùng biển với những lộ trình thương mại quan trọng nhất thế giới - bằng cách định thiết lập các công trình mới ở một bãi cạn tranh chấp. Căng thẳng ở Biển Đông làm dấy lên những quan ngại rằng, Bắc Kinh sẽ sử dụng sức mạnh hải quân đang trỗi dậy để giành ưu thế trong yêu sách chủ quyền, dẫn tới xung đột quân sự.

4 trong số 10 nước thành viên ASEAN có chồng lấn chủ quyền với Trung Quốc. Thứ ba tới sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bali, Indonesia. Sau đó, ông Tập Cận Bình và một số nhà lãnh đạo khác sẽ tới Brunei tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

"Những gì chúng tôi muốn nghe từ ông Tập Cận Bình là liệu Trung Quốc có thiện chí để giải quyết vấn đề Biển Đông hay không. Nhưng ông không nói về vấn đề này, khiến tôi thất vọng", nghị sĩ Tantowi Yahya cho biết.

Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã sử dụng chuyến công du này để thúc đẩy quan hệ trong khu vực. Ông nói, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt giá trị 1 nghìn tỉ USD năm 2020 trong giao thương với ASEAN.

Sau Indonesia, ông tới thăm Malaysia. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia sau Nhật Bản. Hai bên dự kiến sẽ hoàn tất hàng loạt thỏa thuận chủ yếu trong lĩnh vực khai thác mỏ với giá trị hơn 30 tỉ USD trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Tập.

Thái An (theo Reuters)