Trong làng báo, tôi là một kẻ lang thang. Nghĩa là làm khá nhiều báo khác nhau: báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, tạp chí Văn hoá văn nghệ Công an (tiền thân của Văn nghệ Công an), Người Đô Thị, VietNamNet, An ninh thế giới cuối tháng, Cảnh sát toàn cầu, Bóng đá và Cuộc sống, Pháp luật & Cuộc sống, Đang yêu và bây giờ làm tạp chí văn chương Viết & Đọc.

Và chắc chắn Viết & Đọc là ấn phẩm báo chí cuối cùng tôi làm vì đã qua cái tuổi đi làm báo lâu rồi. Hơn nữa ở tuổi này ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của cuộc đời. Ai ở tuổi này cũng thế thôi. Còn viết báo có lẽ nhà văn Việt Nam nào cũng viết. Nếu không làm báo và viết báo nhà văn khó sống vô cùng. Tôi viết báo như điên và viết đủ loại. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết chính xác mình đã viết bao nhiêu bài báo ở nhiều đề tài. Nhưng tôi ước chừng mình đã viết khoảng 600 hay 700 bài.

 Một tác phẩm vẽ trên báo cũ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Có rất ít nhà văn sống được bằng nhuận bút như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nguyễn Nhật Ánh là siêu sao mà tôi rất nể phục. Ông là người đóng thuế khủng cho nhà nước. Tất nhiên nhà văn nào cũng đóng thuế cho tất thu nhập từ sách hay báo họ viết nếu nhuận bút từ 500.000 đ VN trở lên. Nhiều ông bà cứ kêu thuế thuế thuế... của nhân dân cho sướng mồm. Nhà văn, nhà báo không là nhân dân thì là cái gì? Họ đóng thuế đều đặn và không trốn thuế, thậm chí đóng nhiều hơn mấy ông bà hay dạy dỗ.

Hồi làm ở VietNamNet tôi được TBT Nguyễn Anh Tuấn trả lương khá cao so với lương một phóng viên ngay cả bây giờ ngoài nhuận bút. Nhưng tôi lại được tự do viết những gì tôi muốn trừ một bài vào sáng thứ 6 hàng tuần trên Tuần Việt Nam ở chuyên mục: "Phát ngôn & Hành động cuối tuần" với bút danh Trực Ngôn.

Chuyên mục "Phát ngôn & Hành động Cuối tuần" chủ yếu là phê phán. Hồi đó mà dám phê phán sát sạt các quan chức trong lời nói và hành động của họ quả là không vừa và không một chút dễ dàng. Tôi viết cho mục này khoảng hơn một năm gì đó. Báo điện tử nhưng bài của tôi bao giờ cũng khoảng 5000 từ. Nhưng ai đọc nó thì ít khi bỏ. Quy định bài viết cho mục này đúng 8h sáng thứ sáu hàng tuần phải xuất hiện. Có tuần vì lý do kỹ thuật bài lên muộn, có bạn đọc viết thư hỏi có phải nhà báo Trực Ngôn gặp chuyện gì hay bị bắt mà chưa thấy bài. Viết phê phán với tinh xây dựng và thiện chí sao lại có chuyện được?

Làm báo Văn nghệ là sướng nhất vì chỉ ngồi ở toà soạn đọc tác phẩm gửi về. Thích thì mang bài về nhà biên tập. Có những tuần tôi chỉ đến báo một ngày để họp. Hồi đó, có người kêu báo Văn nghệ lương thấp nhất nước. Tôi cười bảo: "lương báo Văn nghệ cao nhất nước vì mỗi tháng các ông chỉ đến toà soạn năm, sáu ngày tính ra ngày công quá cao".

Hồi tôi biên tập thơ ở báo Văn nghệ, điều quyến rũ tôi nhất là sáng đến mở bì thư gửi bài vì hồi đó chưa có internet. Tôi luôn chọn những bì thư đề tên người gửi mà tôi chưa từng nghe. Tôi đợi chờ một nhà văn, nhà thơ mới xuất hiện với tác phẩm của họ làm mình "choáng" vì hay. Và tôi may mắn đã gặp được vài ba tác giả như thế. Trong văn học nghệ thuật, như thế là đủ và đúng.

Những lúc như thế, tôi lặng người và thầm kêu lên: "anh/ chị ta đã bay qua đầu mình". Những ngày như thế là những ngày thực sự hạnh phúc. Và đương nhiên tôi quyết định tự thưởng cho mình một ly cà phê ngon giá rẻ. Bây giờ thì tôi hay lướt FB để kiếm tìm những giọng nói mới. Năm 2022, tôi phát hiện được 2 tác giả vô cùng trẻ. Một người viết thơ truyền thống hay hơn nhiều những bài thơ truyền thống của tôi. Người kia viết hiện đại hay hơn những bài thơ hiện đại của tôi. Và cả hai đều lặng lẽ trên con đường sáng tạo của mình. Tôi cám ơn họ.

Khi làm Viết & Đọc tôi đã già. Có người biết tôi vẫn đi làm thì lè lưỡi, lắc đầu: "Eo ôi, già khú thế kia mà vẫn đi làm". Già khú thì đúng rồi, nhưng cảm giác của sự đợi chờ một tác giả mới xuất hiện vẫn nguyên vẹn trong tôi. Và sự chờ đợi của tôi đã được đền đáp. Có những tác giả chỉ đáng tuổi con cháu mình nhưng đọc những gì họ viết chỉ biết nể phục, còn tương lai của họ ra sao thì không thể nói trước.

Tôi mê viết báo và làm báo. Bây giờ tôi vẫn viết báo nhưng ít hơn vì bận nhiều việc linh tinh. Bạn tôi hỏi nếu có kiếp sau ông có làm báo không? Tôi bảo: chẳng phải đợi kiếp sau mà sau này khi giã từ cõi thế tôi sẽ lập ra một tờ báo có tên ÂM PHỦ THỜI BÁO nhưng để viết về những người đang sống.

Sau nhiều năm làm các loại báo, có phóng viên (hình như của tạp chí ĐẸP) hỏi tôi: Ông nghĩ gì khi họ nói ông là trùm báo lá cải ở Việt Nam?" Tôi cười và bảo: "Cứ được làm trùm thì trùm gì cũng ghê. Làm trùm báo lá cải đâu dễ một chút nào. Tôi chưa đạt đến tầm đó. Tôi đang phấn đấu".

Ngày nay có không ít bài báo lá cải và báo lá cải, nhưng tiếc là không có một ông/ bà trùm nào cả.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều