Ông Trump tối 1/6 (theo giờ địa phương) tuyên bố, quyết định bất thường trên sẽ giúp triệt phá Antifa, tổ chức gồm nhiều nhóm nhỏ mang khuynh hướng chính trị thiên tả hoặc cực tả, bị ông cáo buộc tổ chức các cuộc biểu tình bạo loạn, dẫn đến nạn cướp bóc hoành hành ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.
Song, giới quan sát tin, động thái cũng sẽ ngăn chặn các cuộc biểu tình ôn hòa đòi công bằng sắc tộc sau khi công dân Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết hồi tuần trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Washington Post |
Đó sẽ là một bước ngoặt đáng chú ý của Đạo luật Chống bạo động, vốn gây chú ý nhiều nhất khi được áp dụng để trấn áp bạo loạn vào những năm 1950 và sau đó là để đối phó với các cuộc biểu tình ở Detroit vào những năm 1960.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, đạo luật đã không được viện dẫn kể từ năm 1992, khi xảy ra các cuộc bạo loạn ở Los Angeles tiếp sau việc tha bổng 4 sĩ quan cảnh sát da trắng trong vụ đánh đập tàn nhẫn công dân da đen có tên Rodney King. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ hiện nay William Barr cũng chính là người nắm quyền lãnh đạo Bộ Tư pháp khi đó, dưới thời cựu Tổng thống George H.W. Bush.
Quốc hội Mỹ đã sửa đổi luật sau bão Katrina năm 2006 để làm rõ hơn về việc sử dụng các căn cứ pháp lý này trong trường hợp xảy ra các thảm họa tự nhiên. Song, một năm sau, cơ quan lập pháp Mỹ đã xóa bỏ một vài thay đổi nói trên sau sự phản đối của các thống đốc bang, những người không muốn cắt giảm quyền lực của họ.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump hôm 1/6 quả quyết, nếu các thống đốc bang không hành động như ông muốn, ông sẽ điều động quân đội đến các bang và thành phố để "nhanh chóng giải quyết vấn đề".
CNN nhận định, hiện nhiều khả năng tồn tại các rào cản đối với những gì ông Trump có thể làm. Một phần của Đạo luật chống bạo động có ghi, các bang trước hết phải yêu cầu trợ giúp, lãnh đạo Nhà Trắng mới có quyền triển khai binh sĩ. Song, những phần khác của đạo luật lại không đòi hỏi sự đồng thuận của thống đốc hay cơ quan lập pháp của một bang, ví dụ như khi tổng thống xác định tình hình ở bang đó khiến việc thực thi luật pháp Mỹ không thể diễn ra hoặc khi các quyền của công dân bị tước đoạt.
Lịch sử Mỹ từng ghi nhận một số trường hợp tổng thống dùng quân đội liên bang bất chấp sự phản đối của các thống đốc như Dwight Eisenhower (và sau này là John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson) trong kỷ nguyên Dân quyền. Cụ thể, Eisenhower đã viện dẫn Đạo luật Chống bạo động khi ông liên bang hóa lực lượng vệ binh của bang Arkansas và sau đó điều Sư đoàn dù 101 đến Little Rock để hợp nhất các trường học.
Việc điều động quân đội như vậy có thể đã nằm trong tính toán của Thượng nghị sĩ Cộng hòa đến từ bang Arkansas Tom Cotton khi ông nêu đề xuất trên Twitter rằng, Tổng thống Trump nên triển khai Sư đoàn dù 101.
Tuy nhiên, các thống đốc đã nhanh chóng lên tiếng phản đối tổng thống. Phát biểu ngay sau tuyên bố của ông Trump, Thống đốc bang Illinois J.B. Pritzker, một chính khách thuộc đảng Dân chủ đối lập, cáo buộc lãnh đạo Nhà Trắng đang cố tình tạo ra tình huống dễ bùng nổ nhằm đẩy lui sự chú ý của dư luận đến các thật bại trong công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như xây dựng hình ảnh bản thân là "một tổng thống của luật pháp và trật tự".
Tuấn Anh