“Huyện Nam Trà My có hơn 22 doanh nghiệp đầu tư vào trồng sâm Ngọc Linh nhưng cũng không có đơn vị nào tham gia. Việc “cơ cấu” nhiều thành viên ở các tỉnh và vài công ty của ông Võ Kim Cự là rất bất hợp lý".
Giữa tháng 7, Bộ Nội vụ có công văn gửi các ban, bộ và UBND hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum về việc lấy ý kiến thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam.
Trước đó, Bộ Nội vụ nhận được hồ sơ đề nghị thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam do Trưởng ban vận động thành lập hiệp hội là ông Võ Kim Cự ký đơn. Ban vận động này được Bộ NN-PTNT công nhận ngày 21/6.
Tại đây, có 16 thành viên, do ông Võ Kim Cự - Chủ tịch hội đồng quản lý, Viện trưởng Viện Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - làm Trưởng ban.
Nhiệm vụ của Ban là vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hiệp hội, hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hiệp hội để gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập và tự giải thể sau khi đại hội thành lập và bầu ra ban lãnh đạo hiệp hội.
Ngoài đơn đề nghị thành lập hiệp hội thì Ban vận động còn có dự thảo về điều lệ và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ I.
Cần bổ sung người ở Quảng Nam
Phúc đáp công văn của Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam Trần Út đã ký văn bản góp ý.
Ông Út cho hay, việc thành lập hiệp hội là rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức của hiệp hội, thông qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai các kế hoạch, chương trình để phát triển sản xuất sâm Việt Nam.
Theo ông Út, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) và các loại cây dược liệu khác, là đơn vị chủ lực triển khai chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Cùng với đó, hiện số lượng các doanh nghiệp, cá nhân tham gia sản xuất sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam khá nhiều.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ vận động thành lập, không có các tổ chức, cá nhân (các doanh nghiệp, Hội sâm núi Ngọc Linh và quế Trà My) ở Quảng Nam tham gia vào Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam là chưa hợp lý. Vì vậy, địa phương đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu bổ sung nội dung này.
Nhiều doanh nghiệp không đồng tình
Ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Công ty Sâm Hạnh Na, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - cho biết, việc công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam là cần thiết khi giúp các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sẽ dễ dàng hơn trong việc bảo vệ giống sâm thật, cùng với đó góp phần giúp người dùng tránh sâm giả.
“Nhưng việc Ban vận động này không có một cá nhân nào ở Quảng Nam thì không hợp lý khi đây là một trong những vùng trồng sâm lớn nhất cả nước", ông Mạnh bày tỏ.
Theo ông, việc không có người Quảng Nam biết về sâm vào hội thì bản thân các hộ gia đình, kinh doanh chưa đặt niềm tin để tham gia. Do vậy, cần có một vài người là đại diện doanh nghiệp hoặc tổ chức trồng sâm tại tỉnh Quảng Nam nằm trong Ban này.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kiều Tiên, chủ hộ kinh doanh mua bán sâm tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), cho rằng, việc Ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam không có người Quảng Nam là điều khó có thể chấp nhận.
Theo bà, khi nhắc đến sâm, mọi người chắc chắn sẽ nhắc đến sâm Ngọc Linh đầu tiên. "Sâm Ngọc Linh nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, nhưng người Quảng Nam lại không có trong hiệp hội thì không thể chấp nhận được. Việc có người Quảng Nam vào giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sâm Ngọc Linh, cách trồng cũng như phân định được nạn sâm giả trên địa bàn”, vị này chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, chủ trương của huyện ủng hộ việc thành lập Hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam, nhưng Ban vận động lại không có cá nhân nào của tỉnh thì chưa xác đáng.
“Riêng huyện Nam Trà My có hơn 22 doanh nghiệp đầu tư vào trồng sâm Ngọc Linh nhưng cũng không có đơn vị nào tham gia. Thay vào đó “cơ cấu” nhiều thành viên ở các tỉnh Hà Tĩnh, Kon Tum và vài công ty của ông Võ Kim Cự, việc này rất bất hợp lý", ông Mẫn băn khoăn.
Lãnh đạo huyện Nam Trà My cũng kiến nghị tỉnh Quảng Nam "có tiếng nói chung" để kết nạp một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng một số hộ chủ chốt trồng sâm của huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin rằng, chính huyện cũng chưa biết về thông tin công nhận việc vận động thành lập hiệp hội, ngoài ra các doanh nghiệp trồng sâm cũng mong muốn tham gia. Khi đó, doanh nghiệp địa phương sẽ có nhiều cơ hội để tuyên truyền, quảng bá cũng như đầu tư lâu dài vào sâm Ngọc Linh.
Ông Mẫn cho biết thêm, thực tế doanh nghiệp của ông Võ Kim Cự cũng chưa có đầu tư hay thuê môi trường rừng tại địa phương để trồng sâm Ngọc Linh.
Quảng Nam cùng với Kon Tum, được biết đến như là "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc các huyện Đăk Tô, huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam.
Ngoài Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am (đều thuộc tỉnh Quảng Nam) theo những kết quả điều tra mới nhất.