Thời gian gần đây, VietNamNet thường xuyên nhận được phản ánh của độc giả về việc dịch vụ Internet cố định gặp vấn đề. Theo đó, nhiều người dùng dịch vụ Internet cho biết họ gặp khó khăn khi truy cập mạng, nhất là vào buổi tối.
Tại các group cộng đồng của người dùng mạng xã hội cũng xuất hiện không ít những phản hồi tiêu cực khi nhắc tới chất lượng mạng Internet của các nhà mạng. Theo đó, điểm chung của các trường hợp này là họ hay gặp phải vấn đề khi truy cập các trang web nước ngoài. Có người dùng còn cho biết, họ gần như không tải nổi video khi xem trên YouTube.
Theo phản ánh của nhiều người dùng, chất lượng mạng Internet cố định đang có vấn đề, đặc biệt là khi truy nhập các trang web quốc tế. Ảnh: Trọng Đạt |
Trong vai một người dùng mạng Internet cố định của VNPT gặp vấn đề về đường chuyền quốc tế, khi liên hệ với tổng đài của nhà cung cấp này, nhân viên phía đầu dây cho biết, đơn vị đang gặp vấn đề với đường truyền cáp quang biển.
“Sự cố này xảy ra lúc 4h sáng ngày 19/7 và sẽ được khắc phục lúc 20h ngày 3/8 tới. Điều này gây ảnh hưởng một chút đến đường truyền quốc tế, còn đường truyền trong nước của VNPT vẫn hoạt động bình thường. Sự cố này gây ảnh hưởng chung tới người dùng cả ở khu vực miền trung, miền nam và miền bắc.”, nhân viên tổng đài này chia sẻ.
Theo VNPT, từ đầu tháng 7 đến nay, tuyến cáp quang biển AEE-1, AAG gặp sự cố. Sự cố này gây suy giảm chất lượng dịch vụ Internet quốc tế của tất cả các nhà mạng tại Việt Nam, trong đó có VNPT.
Bên cạnh đó, hiện nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 nên lưu lượng sử dụng dịch vụ Internet của VNPT tăng bình quân 20% so với ngày bình thường cũng dẫn tới quá tải trong một số giờ cao điểm.
Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của sự cố cáp quang đến chất lượng dịch vụ Internet, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc trực tuyến, VNPT đã thực hiện ứng cứu khẩn dung lượng Internet quốc tế trên các tuyến cáp khác và đẩy mạnh mở dung lượng hệ thống lưu trữ nội dung (CDN) với các nhà cung cấp nội dung.
Theo VNPT, sự cố của 2 tuyến cáp AEE-1, AAG và việc lưu lượng sử dụng Internet tăng cao trong bối cảnh giãn cách vì đại dịch là nguyên nhân dẫn tới sự giảm sút về chất lượng dịch vụ của nhà mạng này. Ảnh: Trọng Đạt |
Cũng theo VNPT, tính đến nay tuyến cáp AAG đã khôi phục hoàn toàn. Chất lượng dịch vụ Internet quốc tế đã trở lại bình thường.
Để đáp ứng chất lượng dịch vụ, VNPT đã có kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021 nâng dung lượng cáp quốc tế thêm 30%, đẩy mạnh mở rộng hệ thống CDN cung cấp nội dung của các nhà cung cấp trên thế giới.
Cùng với đó, VNPT đã tham gia đầu tư xây dựng 1 tuyến cáp quang biển SJC2 mới, trạm cập bờ mới tại Quy Nhơn để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo chất lượng dịch vụ khi có sự cố cáp quang biển quốc tế xảy ra trong tương lai. Dự kiến, tuyến cáp này sẽ đưa vào khai thác trong năm 2022).
Thực tế cho thấy, đây đã là lần thứ 2 tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố chỉ trong ít ngày. Sự cố với tuyến cáp này là nguyên nhân chính, góp phần gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đường truyền Internet thời gian qua.
AAG là tuyến cáp quang biển có tổng chiều dài hơn 20.000 km. Đây là tuyến cáp đi qua 8 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines, Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California) và kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
Dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2009, thế nhưng gần như năm nào chất lượng đường truyền Internet tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố đối với tuyến cáp quang biển AAG.
Sơ đồ tuyến cáp quang biển AAG. |
Khi được hỏi về sự cố xảy ra ngày 19/7 với tuyến cáp quang biển AAG, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết, AAG là tuyến cáp hay gặp sự cố và các nhà mạng đã quen với việc ứng phó khi tuyến cáp này bị đứt. Tuy nhiên, sự cố ngày 19/7 có thể gây ra ảnh hưởng nhiều hơn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và mọi sinh hoạt của người dân giờ đây được chuyển hết lên môi trường mạng.
Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, dù tuyến cáp quang biển quốc tế AAG hay gặp sự cố, nhưng xét về mặt kinh tế, đây là tuyến cáp có giá thành hợp lý nhất nên vẫn được nhiều nhà mạng sử dụng.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện cách ly, phong tỏa để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lưu lượng dữ liệu phát sinh đột biến tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.
Trước tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Thông tin & Truyền thông đã gửi công văn về việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động, cố định triển khai tất cả các phương án, giải pháp kỹ thuật khả thi để đảm bảo tối đa vùng cung cấp dịch vụ, duy trì chất lượng dịch vụ băng rộng di động và cố định tại các khu vực có mật độ tập trung thuê bao cao. Các doanh nghiệp viễn thông cố định cũng được yêu cầu triển khai cung cấp mạng cố định băng rộng theo sự điều phối từ các Sở.
Trọng Đạt
Tổng đài 1022 quá tải, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nghiên cứu mở thêm kênh tiếp nhận
Bên cạnh việc đề xuất hỗ trợ thêm lực lượng nhân viên trực tổng đài, Sở TT&TT cũng đang nghiên cứu mở rộng thêm kênh tiếp nhận để nâng cao năng lực đáp ứng.