Theo thông báo của Panasonic, công ty sẽ chi tổng cộng 10 tỷ yen (70 triệu USD) cho các dây chuyền sản xuất mới tại các nhà máy, chủ yếu nằm ở Kusatsu, tỉnh Shiga. Từ năm tài khóa 2023, “ông lớn” điện tử sẽ phân bổ lại hoạt động sản xuất máy điều hòa cho thị trường nội địa từ Trung Quốc sang Nhật Bản, nâng tỷ lệ sản xuất nội địa từ 10% hiện nay lên 40% vào đầu năm tài khóa 2024. Tại nhà máy Kusatsu, hãng sẽ lắp đặt thiết bị lắp ráp tự động để tăng gấp ba công suất.
Bước đầu tiên của kế hoạch, Panasonic sẽ đưa hoạt động sản xuất máy điều hòa cao cấp và máy nén khí bên ngoài từ Quảng Châu, Trung Quốc về lại Nhật Bản. Sau đó, các mẫu máy tầm trung cũng được đưa về Nhật Bản trong năm tài khóa 2024.
Panasonic ước tính, nhờ tự động hóa công tác thanh tra máy điều hành thành phẩm và lắp robot để lắp ráp máy nén, thời gian từ khâu sản xuất đến giao hàng sẽ giảm 1/4 so với tại nhà máy Quảng Châu. Nhà máy Quảng Châu sẽ tận dụng công suất dư thừa để tăng sản lượng phục vụ thị trường Trung Quốc.
Với kế hoạch tái cơ cấu này, Panasonic hi vọng cung cấp máy điều hòa ra thị trường nhanh hơn, tránh bị gián đoạn với chuỗi cung ứng như xảy ra trong thời kỳ Covid-19 và khủng hoảng bán dẫn.
Masaharu Michiura, Chủ tịch công ty thiết bị thông gió và điều hòa nhiệt độ của Panasonic, cho biết họ sẽ phản ứng tốt hơn trước biến động của thị trường.
Vào đầu tháng này, nhà máy Kusatsu đã mở một trung tâm nghiên cứu để phát triển một loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh tự nhiên và một hệ thống điều hòa mới giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Panasonic đặt mục tiêu doanh thu 290 tỷ yen đối với mảng thiết bị tại Nhật Bản, bao gồm máy điều hòa và thông gió cùng hệ thống điều hòa tòa nhà trong năm tài khóa 2024, tăng 20% so với năm tài khóa 2022.
(Theo Nikkei)