Sáng 20/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USS) đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI năm 2013.

Theo đó, Đà Nẵng với 66,45 điểm đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng, sau 1 thời gian tụt hạng; chiếm vị trí thứ 2 là Thừa Thiên Huế với 65,56 điểm.

Trong nhóm rất tốt (7 vị trí dẫn đầu), năm nay khu vực miền Trung còn có thêm Quãng Ngãi được 62,60 điểm, đứng vị trí thứ 7. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì chất lượng điều hành tốt khi có đến 3 tỉnh là Kiên Giang 63,55 điểm, Đồng Tháp 63,35 điểm và Bến Tre 62,78 điểm nằm trong nhóm rất tốt.

{keywords}
Xếp hạng CPI 2013.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng 3 hạng lên thứ 10 và nằm trong nhóm có chỉ số cao nhất cả nước. Hà Nội đã tăng 18 bậc từ vị trí 51 năm 2012 lên 33 năm 2013.

"Đầu tàu" Bình Dương, từng nhiều năm liền có vị trí đáng kể trong xếp hạng PCI, nay lại đang trong quá trình đi xuống với sự tụt hạng đáng kể, rơi xuống vị trí 30. Hầu hết các điểm số bị suy giảm do Bình Dương không còn giữ được chất lượng điều hành ở các chỉ tiêu thuộc điểm PCI gốc, chẳng hạn sự sụt giảm điểm số Chi phí gia nhập thị trường.

Nhóm có chỉ số PCI thấp nhất vẫn thuộc về các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có địa hình hiểm trở, hạ tầng yếu kém, đi lại khó khăn, xa cảng biển và trình độ dân trí thấp.

Nói về lý do Đà Nẵng trở lại top 1, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng cho biết, cải cách thông thường đã đến giới hạn, chính vì vậy năm 2011 và 2012 Đà Nẵng bị tụt hạng, xuống vị trí thứ 12. Nhận thấy vấn đề, lãnh đạo thành phố đã xem xét lại, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo. Nhiều cuộc họp, hội thảo, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các DN đã diễn ra. Thành phố cũng tiến hành khảo sát độc lập hơn 1.000 DN tại địa bàn để tìm hiểu về những rào cản, những khó khăn với DN, qua đó cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và kết quả đã thăng hạng.

Tuy nhiên khi Đà Nẵng trở lại vị trí thứ nhất, không ít các ý kiến vẫn băn khoăn. Mới đây, vụ bến xe do Công ty Đức Long Gia Lai đầu tư theo lời mời gọi của Đà Nẵng với số vốn hơn 100 tỷ đồng, đi vào hoạt động đã 2 năm nhưng gần như bị bỏ hoang, vì không có khách. Lý do DN đưa ra là TP. Đà Nẵng không tuân thủ quy hoạch, không thực hiện phân luồng, tuyến giao thông Nam - Bắc; chưa giải quyết dứt điểm công tác đền bù giải tỏa các hộ dân ở phía trước bến xe để tạo thông thoáng mặt tiền, chưa hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn… Hiện tượng "thảm đỏ có gai" này cũng khiến không ít người đặt câu hỏi nghi ngờ.

Với Hà Nội tuy năm nay có sự tăng vọt về thứ hạng, nhưng cũng vẫn chỉ đạt được vị trí "nửa chừng xuân", chứng tỏ sự trì trệ của Thủ đô vẫn còn hết sức nặng nề, chắc chắn phải mất nhiều thời gian để đổi mới.

Những lý do mà các DN kêu ca nhất ở Hà Nội là thủ tục hành chậm chạp, chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền kém, sách nhiễu, tham nhũng nhiều.

Theo nhận định của VCCI, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam thời gian qua có xu hướng chuyển biến tích cực. Chỉ số PCI gốc ( hệ thống các chỉ số so sánh cố định từ năm 2006) có xu hướng tăng dần và năm 2013 đạt giá trị cao nhất trong các năm với 47 điểm.

VCCI cho biết quy mô điều tra năm 2013 gồm 8.093 DN dân doanh và 1.609 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 63 tỉnh thành phố trên cả nước.

Trần Thủy