Như VietNamNet đã thông tin, ngày 4/4 Công an tỉnh An Giang có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Long Xuyên về việc “phối hợp, hỗ trợ trong việc giám định cầu bộ hành thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Thái Học”. Trong đó có việc huy động 400 người (từ các trường học, dân quân, dân phòng, đoàn thể) thử tải cầu bộ hành để xác minh nghi sai phạm ở dự án này. Dự kiến việc thử tải vào ngày 5/4.

Phương án này đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chiều 4/4, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo cho dừng huy động người. Cơ quan chức năng sẽ thay bằng phương pháp khác.

Ghi nhận sự lắng nghe dư luận của UBND tỉnh An Giang, chiều 4/4, trao đổi với VietNamNet, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, đối với các công trình xây dựng, trước khi đưa vào khai thác, sử dụng đều phải thử tải. 

Điều này đặc biệt quan trọng với những công trình lớn. Việc thử tải phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt. 

Tuỳ mỗi công trình giao thông người ta sẽ tính toán tải trọng bao nhiêu để thử tải. Có cầu phải thử lệch tâm, thử đồng bộ; có công trình phải thử bằng cách tạo xung đột.

“Thậm chí, nhiều cầu hiện đại tại một số quốc gia trên thế giới còn thử cả dao động. Họ cho nổ tên lửa để xem cầu sẽ rung động như thế nào theo phương thẳng đứng”, PGS. TS Trần Chủng thông tin.

Cầu Nguyễn Thái Học (Ảnh: Báo An Giang) 

Theo ông Trần Chủng, công việc thử tải của một công trình xây dựng đều phải tuân thủ khắt khe các quy trình, quy chuẩn theo hướng dẫn từ cách lựa chọn tải trọng, quy trình thực hiện...

“Tôi không hiểu họ áp dụng quy định nào để lấy người ra thử tải. Vì nếu đang thử tải mà xảy ra sự cố thì hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào?  

Về mặt học thuật, tôi khẳng định không thể có việc lấy con người để làm vật tải trọng để thử tải. Chắc chắn không được phép”, PGS. TS Trần Chủng khẳng định.  

PGS. TS Trần Chủng nhấn mạnh: “Thử tải trọng phải dùng những vật thể mà người thử có thể kiểm soát được tải trọng của nó. Trong thử tải trọng cầu phải tuân thủ thử tải trọng tĩnh và thử tải trọng động. Việc thử tải phải sử dụng vật thể gia tải hay nói đúng hơn là tạo ra tải trọng nhưng vật thể đó không được phép dùng con người”. 

Dự án cầu Nguyễn Thái Học được UBND tỉnh An Giang phê duyệt vào ngày 29/1/2018 và được điều chỉnh vào ngày 26/6/2020. Dự án gồm hạng mục cầu chính dành cho ô tô (có kết cầu nhịp chính là cầu vòm bê tông cốt thép, vĩnh cửu). Hạng mục cầu dành cho bộ hành và cảnh quan (cầu bộ hành) có kết cấu nhịp bằng thép, được chống đỡ bằng hệ thống cáp văng gắn trên cột thép chế tạo sẵn và một số hạng mục liên quan.

Sau khi dự án đưa vào sử dụng, chất lượng phần cầu bộ hành bị phản ánh chưa đảm bảo, sai thiết kế… Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" tại cầu bộ hành nói trên.