Cộng hòa Síp, một trong số những thành viên nhỏ nhất của Liên minh châu Âu, vừa trở thành "nạn nhân" mới nhất của vòng xoáy khủng hoảng lâu nay tại khu vực đồng Euro.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Đề xuất đánh thuế tiền gửi đã làm nổ ra các cuộc biểu tình rầm rộ ở CH Síp.

Quốc đảo Địa Trung Hải này đã nhất trí về một thỏa thuận cứu trợ với các nhà chức trách châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, ngày 19/3, Quốc hội Síp đã bỏ phiếu phản đối thỏa thuận mà theo đó sẽ đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của người dân nhằm huy động 5,8 tỷ Euro để nhận gói cứu trợ.

Các diễn biến này đã đẩy đảo Síp vào khủng hoảng. Tổng thống Nicos Anastasiades cảnh báo rằng, nếu không tìm được một giải pháp thì đất nước ông sẽ vỡ nợ, hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ và Síp có thể bị buộc phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Vậy điều gì có thể xảy ra với CH Síp?

Viễn cảnh 1: Síp phá sản

Có lẽ, viễn cảnh tồi tệ nhất là một thỏa thuận cứu trợ không được tán đồng và Síp chắc chắn sẽ phải tuyên bố vỡ nợ, và hệ thống ngân hàng của nước này sẽ sụp đổ.

Chính phủ Síp không đủ khả năng cứu giúp ngành ngân hàng trong nước, và các nhà đầu tư quốc tế từ chối cho nước này vay, vì vậy, nếu không được cứu trợ thì Síp không thể trả nổi các khoản nợ khổng lồ.

Không chỉ có thế, hai ngân hàng lớn nhất của CH Síp đang nhờ cậy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về khoản tài chính khẩn cấp giúp họ hoạt động, và ECB đã nói rõ rằng khoản này phụ thuộc vào một khoản cứu trợ sẽ được thực thi.

Tổng thống Anastasiades cảnh báo Síp cũng sẽ buộc phải rời khỏi khu vực đồng Euro, mặc dù không có một cơ chế chính thức nào cho việc ra khỏi đồng tiền chung này.

Tác động của viễn cảnh vỡ nợ đối với một khu vực Eurozone rộng lớn hơn hiện vẫn chưa rõ.

Giới đầu tư cho rằng, kích thước tương đối nhỏ của nền kinh tế Síp có nghĩa là nguy cơ "lây nhiễm" thấp, và khủng hoảng sẽ không làm đảo lộn các thị trường ở châu Âu.

Viễn cảnh 2: Có sửa đổi nhưng vẫn đánh thuế

Ngày 19/3, Tổng thống Anastasiades đã thảo luận với các nghị sĩ nhằm soạn ra một kế hoạch thay thế mà Quốc hội có thể thông qua.

Các cuộc đàm phán thêm với EU, IMF và ECB đã được lên lịch, trong khi Bộ trưởng Tài chính Síp đang có mặt ở Moscow để tìm kiếm khả năng được giúp đỡ.

Chính kế hoạch đánh thuế tiền gửi ngân hàng dự kiến đã chọc giận phần lớn các nghị sĩ tại Quốc hội và người dân đảo Síp. Tuy nhiên, nếu chính phủ không tìm được một cách khác để huy động đủ 5,8 tỷ Euro, họ có thể sẽ vẫn phải đánh thuế - nhưng có lẽ là đánh vào các khoản tiền gửi lớn. Khả năng này chắc chắn sẽ gây tổn thất nhiều nhất cho các khách hàng Nga vì họ được tin là đang nắm giữ khoảng 20 tỷ Euro tiền gửi trong các ngân hàng Síp.

Các chủ nợ như Đức sẽ ủng hộ cách này, vì họ đang chịu áp lực chính trị phải giảm số lượng tiền dành cho việc cứu trợ các láng giềng ở phía nam châu Âu.

Tuy nhiên, viễn cảnh đó có thể có tác động lớn đối với Eurozone. Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng người gửi tiền ở các ngân hàng châu Âu khác có thể sẽ lo tiền gửi của họ cũng sẽ bị nhắm tới, nếu nền kinh tế ở đất nước họ cũng rơi vào khó khăn.

Viễn cảnh 3: Síp đồng ý khoản cứu trợ lớn hơn từ châu Âu

Nếu Síp xác định có quá nhiều người phản đối việc đánh thuế, nước này sẽ từ bỏ biện pháp kể trên. Như vậy có nghĩa là nước này sẽ tìm kiếm 5,8 tỷ Euro từ nguồn khác.

Một trong số các lựa chọn có thể là xin châu Âu một gói cứu trợ hào phóng hơn, có nghĩa là không cần phải huy động nhiều tiền đến như vậy ở trong nước.

Mặc dù sự phản đối đang tăng cao ở các nước phía bắc châu Âu, các nhà chức trách có thể vẫn phải đi theo giải pháp này.

Đánh thuế tiền gửi là điều chưa từng có tiền lệ trong các gói cứu trợ của khối Eurozone cho đến nay và có một sự lo ngại rộng khắp rằng các nhà chức trách châu Âu đã phạm sai lầm khi đặt ra điều kiện này. Họ có thể phải nhượng bộ.

Một thỏa thuận "dễ thở" hơn của EU có thể ra đời đi kèm với các biện pháp khắc khổ. Do tâm trạng giận dữ đã lan tỏa trong dân chúng đảo Síp, các biện pháp thắt lưng buộc bụng cũng sẽ khó được chấp nhận.

Viễn cảnh 4: Một vai trò lớn hơn của Nga

Nếu châu Âu từ chối cấp thêm tiền, đảo Síp có thể phải cố gắng huy động tiền mặt thông qua các biện pháp như quốc hữu hóa các quỹ lương hưu - một động thái có thể huy động được 3-5 tỷ Euro.

Tuy nhiên, một nguồn tiền thay thế có thể đến từ Nga. Nga hiện đã cho Síp vay 2,5 tỷ Euro và người Nga đang nắm giữ một lượng lớn tiền mặt trong các ngân hàng Síp. Đến giờ, các lãnh đạo ở Moscow vẫn kiên quyết không tham gia các cuộc đàm phán cứu trợ, và họ tức giận khi người Nga bị nhắm tới trong chính sách đánh thuế tiền gửi.

Các nghị sĩ Síp đã bày tỏ lo ngại rằng, nhất trí với thỏa thuận của châu Âu sẽ đẩy các khách hàng Nga - một nguồn thu nhập chủ yếu - ra khỏi quốc đảo này.

Bộ trưởng Tài chính Síp Michalis Sarris đã đi Moscow để thương thảo nhưng đến giờ vẫn chưa đạt được sự nhất trí nào.

Một kế hoạch có thể là Nga sẽ nhận các khoản vốn lớn trong các ngân hàng Síp để hỗ trợ cho họ, hoặc cung cấp một khoản vay khác nữa.

Thanh Hảo (Theo BBC)