Cùng là thành viên WTO, cùng là 2 quốc gia láng giềng chung biên giới, cùng có nền kinh tế phát triển và nhu cầu quan hệ thương mại, không có lý do gì doanh nghiệp Việt Nam "xa lánh" thị trường này trong khi họ đi vào tận hang cùng ngõ hẹp trong nước ta!
Đó là hướng đi khôn ngoan được nhiều ý kiến đồng tình.
Tuy nhiên, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", trước hết chúng ta hãy tự nhìn nhận về mình như thế nào để điều chỉnh và có đối sách phù hợp.
Mổ xẻ những yếu kém và sai lầm của ta
Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung: Lẽ ra ta đã phải có những hiệp định thương mại với họ từ lâu rồi. Cho đến nay cơ sở pháp lý cho quan hệ thương mại giữa 2 nước chưa đầy đủ do sự phát triển sản xuất đi nhanh hơn nhu cầu chuyển đổi cơ chế, chính sách, thành ra có sự trói buộc. Sự chậm chuyển đổi này dẫn đến việc "sai đâu sửa đấy, sửa đâu sai đấy!". Chính sách của ta hiện vẫn mang nặng dấu ấn kiểu cũ, vẫn là các biện pháp hành chính, ngăn chặn.
Trong khi đó Trung Quốc đã biết tận dụng thế mạnh của họ và thế yếu của ta một cách triệt để. Chính sách mua bán tiểu ngạch biên giới lâu nay hoàn toàn bất lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc nhưng lại vô cùng thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc tuồn hàng kém, hàng lậu vào Việt Nam cùng những khó khăn, hệ lụy cho quản lý của Việt Nam.
Bà Vũ Kim Hạnh: Ta làm ăn với Trung Quốc toàn bằng tiểu ngạch do quy mô của doanh nghiệp ta quá nhỏ. Trung Quốc rất thích làm ăn tiểu ngạch kiểu bấy lâu nay. Vì sao? Họ sử dụng chính sách tiểu ngạch để tập dợt, nâng cao trình độ, sức mạnh kinh tế của các tỉnh ven biên của họ.
Bà Vũ Kim Hạnh |
Tiểu ngạch là cầm dao đằng lưỡi. Cái được là hàng hóa chất lượng thế nào cũng bán được, lúc nào cũng bán được; bao nhiêu cũng bán được. Nhiều hợp đồng chỉ ký kết miệng. có hàng chở lên biên giới. Lâu lâu họ "cấm biên" cho một cái, thua lỗ, chết cả đám. Người ta thấy làm ăn kiểu du kích này thì dễ dãi quá. Làm chính quy hơn thì thấy khó khăn. Thôi cứ "vui thú điền viên"...
Toàn bộ cuộc chơi ta đã chấp nhận đưa dao cho người ta nắm đằng chuôi, mình đằng lưỡi. Cứ bị đứt tay hoài mà vẫn chấp nhận.
Quản lý thị trường trong nước của ta thì thật sự tôi không thể hiểu nỗi nữa. Rõ ràng có những vấn đề về quản lý đất nước, quản lý trật tự trị an, quản lý thị trường và chính sách kinh tế. Hàng loạt chuyện do thương nhân Trung Quốc gây ra đụng tới nhiều vấn đề nhức nhối. Tại sao ta không quản lý được?
Nhà tư vấn Mộc Quế: Việt Nam ta thiếu nhân lực biết làm việc cụ thể, điêu luyện. Nói cách khác, ta chưa coi trọng đúng mức mặt trận kinh tế chính trị. Kinh doanh làm ăn với Trung Quốc không chỉ là kinh doanh mà là hợp tác để đôi bên cùng có lợi cao, từ đó tạo ra những đối thoại mà không đối đầu. Người ta gọi nền kinh tế hiện đại là "kinh tế tri thức" là vậy. Nhiều nước trên thế giới, rất không hài lòng với Trung Quốc nhưng vẫn phải tổ chức mặt trận kinh tế rất chu đáo, nghiêm túc. Bởi người mua, tức "thượng đế", là nhân dân, doanh nhân, doanh nghiệp Trung Quốc chính là những người bạn của nhân dân Việt Nam.
Ta chưa nghiên cứu để thấy cách làm của doanh nhân Trung Quốc tại Việt Nam. Họ thực hiện 3 chiêu kinh doanh như sau: Nắm chặt siêu thị, chợ đầu mối, tức đầu ra của Việt Nam; Mua bán biên mậu, ít thông qua hợp đồng xuất khẩu nên để hàng Việt Nam chờ đợi, ép giá để mua thật rẻ. Và kích thích lòng tham. Xe quay về chở hàng Trung Quốc vào nội địa ào ào bán vào nước ta; họ không để các công ty Việt Nam làm chủ, khuyên Việt Nam không nên mở công ty tại Trung Quốc là để ta không chủ động thông tin. Hệ quả là doanh nghiệp ta bị động, chẳng biết gì khi bán hàng qua đó....
Bỏ qua những cơ hội vàng...
Về chính trị, các quốc gia Âu - Mỹ luôn lên tiếng công kích, lên án Trung Quốc. Song thực tế nhiều lãnh đạo châu Âu và Mỹ thường hay qua" thăm" Trung Quốc với cả đoàn doanh nhân hùng hậu. Cựu tổng thống Pháp Sarcozy là người "to tiếng" nhất tại các diễn đàn quốc tế về Trung Quốc, song ông cũng là nhà lãnh đạo châu Âu thăm Trung Quốc nhiều nhất! Còn Mỹ, quan hệ với Trung Quốc có lúc tưởng như sắp nổ ra chiến tranh, song mặt trận kinh tế luôn quyện chặt vào nhau tới mức nếu không có nhau thì sẽ chết mất, còn hơn là Romeo và Julliet!
Tiến sĩ Nguyễn Thị Dung: Đó là sự khôn ngoan cần thiết.
Việt Nam ta có nhiều lợi thế nếu biết phát huy trong làm ăn với Trung Quốc. Này nhé, 2 nước có chung đường biên giới thủy bộ sẽ giúp rút ngắn quãng đường và chi phí vận chuyển. Bán hàng qua các nước ở xa, chi phí vận chuyển lên tới 1/3, ½ giá bán. Nếu chuyên chở bằng máy bay thì cước vận chuyển còn cao hơn giá trị hàng hóa. Chi phí này thấp hơn nhiều so với bán qua Trung Quốc. Ông bà ta có câu "Bán anh em xa mua láng giềng gần" là vậy,
Việt Nam và Trung Quốc có nền văn hóa tương đồng, rất dễ hiểu nhau, đàm phán giao dịch dễ dàng, thuận lợi. Chỉ cần nói vài câu là ta và họ có thể hiểu nhau trong khi với khách hàng nước khác phải mất cả buổi mà vẫn chưa hiểu được gì. Ai đã từng làm kinh doanh sẽ hiểu điều này.
Chính sách của Việt Nam và Trung Quốc có những cái bất đồng nhưng không bất khả kháng như với một số nước khác. Đây cũng là thuận lợi cho giao thương giữa 2 nước.
Trung Quốc là một thị trường cực kỳ hấp dẫn, thượng vàng hạ cám đều bán được, thuế lại thấp. Chủ trương của Trung Quốc là mở cửa cho nhập mà. Ta và họ đều là thành viên WTO, cùng một "sân chơi", tại sao ta lại không "chơi"?
Hình như ít doanh nghiệp ta quan tâm và khai thác những lợi thế này. Làm ăn theo kiểu "điếc không sợ súng" đã qua lâu rồi, ta phải thay đổi nhanh lên. Lực lượng người Hoa rất giỏi kinh doanh trong nước ta cũng là một lợi thế rất lớn, nên phát huy...
Những lợi thế trên là cơ sở cho phép ta tính đến một phương án tốt hơn nữa Việt Nam và Trung Quốc có thể hợp tác để có những sản phẩm có sức cạnh tranh cao mà một mình Trung Quốc hay một mình Việt Nam không làm được. Tôi ví dụ, Mỹ có sản phẩm nước giải khát Coca Cola bành trướng khắp thế giới, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Nếu Việt Nam và Trung Quốc cùng nghiên cứu, tận dụng những tiềm năng sẵn có về nguyên liệu, khoa học và công nghệ để cho ra một sản phẩm độc đáo, tuyệt vời hơn nữa thì quá tốt đi chứ?
Sở dĩ Mỹ và EU có công nghệ nguồn tốt là do họ không phân tán lực lượng, không phân tán điều kiện sản xuất. Ta liên kết được với Trung Quốc một cách khôn ngoan có thể làm chủ được thị trường của mình, thoát khỏi thảm trạng thua ngay trên sân nhà như hiện nay.
Tiến sĩ Mộc Quế: Ta phải lấy lý trí làm chủ để biết khắc phục yếu kém của mình, phát huy lợi thế sẵn có, bổ sung và chấn chỉnh, học hỏi cái hay của Trung Quốc để nhanh chóng xây dựng chiến lược vào Trung Quốc cho mình. Thật là vô lý và thiếu khôn ngoan nên "bỏ quên", không chú ý đến vị trí chiến lược "trời cho" này, biến thành lợi thế mà ít nước nào có được để phát triển.
Người tiêu dùng Trung Quốc rất giống người tiêu dùng Việt Nam. Đây là lợi thế lớn cho nghiên cứu thị trường và tiếp thị, giúp ta ít tốn chi phí mà thời gian thực hiện lại nhanh, hiệu quả cao.
Nhiều nước Asean ở cách xa Trung Quốc song họ đã thành công đưa hàng vào Trung Quốc. Còn ta thì vẫn làm kiểu rất là du kích, lạc hậu, hiệu quả thấp.
(Còn nữa)
Duy Chiến