Việt Nam nên nhớ rằng việc nước ta có được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ nhờ khả năng thuyết phục của ta, mà còn từ chính bản thân người dân các nước đó nhận thức được vấn đề.

Trước việc làm ngang nhiên của Trung Quốc tại Biển Đông trong tuần qua, sự đấu tranh của người Việt dù trong hay ngoài nước một lần nữa khẳng định tinh thần yêu nước vốn có. Người Việt không sợ giặc, nhất là giặc phương Bắc. Người Trung Quốc hơn ai hết cũng hiểu rất rõ điều đó.

Trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ từ bỏ ý định thôn tính Việt Nam (khi ta yếu) hay ít nhất biến Việt Nam trở thành một quốc gia vệ tinh nằm dưới quyền ảnh hưởng của họ (khi ta mạnh). Nếu không thôn tính được các nước xung quanh bằng quân sự trực tiếp thì họ sẽ gây rối loạn, mất ổn định về kinh tế và chính trị để dễ bề "cai quản" đồng thời triển khai chiến lược "tằm ăn rỗi" và gây "sự đã rồi."

{keywords}

Người dân tuần hành tại Hà Nội sáng 11/5 phản đối TQ hạ đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: Chung Hoàng

Vậy giải pháp tức thời của ta hiện nay là gì?

Trước hết, không manh động. Người lãnh đạo và cầm quân hiểu hơn ai hết việc bị rơi vào thế đối phó và bị động. Là một nước nhỏ và nghèo, đã trải qua đô hộ, chiến tranh và chia cắt hàng thế kỉ nay, phải cầm vũ khí là việc cuối cùng ta muốn làm và buộc phải làm.

Nhưng dù buộc phải đánh, ta nên đánh ở thế đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đó. Năm 1945 ta phải làm mọi cách để có được một khoảng thời gian, dù chỉ hơn 1 năm ít ỏi, để chuẩn bị lực lượng. Năm 1954, ta bắt đầu bằng đấu tranh chính trị ở miền Nam những mong thống nhất đất nước và cũng để miền Bắc vươn lên thành hậu phương lớn. Không chỉ về mặt kinh tế và quân sự, mà đối ngoại của ta cũng phải hoạt động mạnh mẽ trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ để tránh đổ máu tới giây phút cuối cùng.

Việc đối phó một cách bị động trong hai cuộc chiến tranh biên giới sau đó cho thấy tai hại khó lường như thế nào khi ta không làm tốt công tác chuẩn bị tinh thần cho nhân dân ta cũng như nhân dân khu vực và thế giới.

Một điều quan trọng khác cần nhớ, đó là nhân dân, dù ở nước lớn hay nước bé, đều không muốn đổ máu. Bác Hồ đã rèn luyện cho nhân dân ta một thói quen tốt, đó là phân biệt giữa "nhân dân" và "chính phủ" Pháp và Mỹ...

Hai năm trước, một học giả người Trung Quốc tại đại học Cornell nói với tác giả rằng những người có đầu óc ôn hòa như ông không có chân trong chính quyền Trung Quốc bây giờ. Điều này cho thấy không phải người Trung Quốc nào cũng có đầu óc bá quyền. Hãy nhớ câu "Tôi không sợ giặc, chỉ sợ lòng dân không theo" của Hồ Nguyên Trừng để áp dụng cho chính Trung Quốc.

Chính sách nào không hợp lòng dân thì đã thất bại một nửa. Khi Lý Thường Kiệt trực tiếp đưa quân sang đất Trung Quốc để chặn giặc, ông đã giải thích cặn kẽ với người dân nước họ tại sao ông phải làm việc đó.

{keywords}
Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Ảnh: Kiên Trung

Trong kháng chiến chống Mỹ điều kiện của chúng ta còn khó khăn hơn bây giờ rất nhiều, nhưng từng người dân của ta, dù ở trong hay ngoài nước, đều là một chiến sỹ trên mặt trận đối ngoại. Người Việt lúc đó không bỏ qua bất kì cơ hội nào để thông tin với bạn bè thế giới về tính chính nghĩa của cuộc chiến cũng như quyết tâm của người Việt sẽ chiến đấu cho tới ngày đất nước thu về một mối. Họ rải truyền đơn, đi nói chuyện ở các cuộc gặp, viết báo, v.v... Họ vận động sự ủng hộ của chính những người dân Mỹ. Đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoạt động không mệt mỏi để được tiếp xúc với nhân dân thế giới cũng chỉ với một mục đích là giải thích cho họ việc ta làm.

Thế kỉ trước ta còn vận động được, với công nghệ của thế kỉ này chả lẽ không? Trong một cuộc chiến tranh mà dân ta một lòng, thế giới ủng hộ, và chính dân nước họ không tin vào lý lẽ của chính phủ họ thì ta nhất định thắng. Và cái đó là cái ta đang cần khi phải đối phó với Trung Quốc về vấn đề biển đảo.

Khi thông tin với thế giới về cuộc khủng hoảng ở Biển Đông, ta nên nói gì? Không phải cứ nghĩ "ta đúng" là thế giới họ phải chú ý đến ta. Chỉ có thể khiến thế giới quan tâm nếu ta nói rằng đây không chỉ là vấn đề xâm phạm trái phép thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN, mà là vấn đề an ninh khu vực và thế giới.

Việt Nam nên nhớ rằng việc nước ta có được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ nhờ khả năng thuyết phục của ta, mà còn từ chính bản thân người dân các nước đó nhận thức được vấn đề (dù ngoài dự kiến của ta); họ lo ngại việc làm của Mỹ ở Việt Nam và toàn cõi Đông Dương có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3 trong đó khả năng sử dụng vũ khí nguyên tử là điều dễ xảy ra.

Bởi vậy, trong đấu tranh về biển đảo với Trung Quốc hiện nay ta phải nhấn mạnh với thế giới rằng khủng hoảng ở biển Đông là vấn đề quốc tế cần có sự tham gia giải quyết của tất cả các nước. Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo chấn giữ Đông Nam Á, là cửa ngõ thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Thật dễ hiểu khi Trung Quốc từ xa xưa đã muốn bành trướng nắm giữ yết hầu quan trọng này. Không chiếm được lãnh thổ đất liền Việt Nam qua bao lần thôn tính thì ít nhất phải chiếm cho bằng được các quần đảo để có thể kiểm soát đường giao thông ở Biển Đông là nơi phần lớn mậu dịch thế giới phải đi qua.

Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực và giết người - đó là việc vi phạm luật quốc tế có thể bị đưa ra tòa án quốc tế xét xử. Ngoài ra, Philippines đã kiện Trung Quốc ra Liên Hợp Quốc và rất nhiều khả năng là vụ án sẽ được thụ lý bởi nước bạn đã dùng một đội ngũ luật sư quốc tế hùng hậu và nổi tiếng.

Trung Quốc càng khăng khăng giữ lập trường không chịu để Liên Hợp Quốc dính líu đến việc này thì càng tự cô lập mình. Tự họ cũng hiểu về luật biển và về chính trị, lập trường của họ là luận điệu bành trướng, bởi vậy họ không bao giờ muốn việc làm của họ được mang ra mổ xẻ và phơi bày nơi công cộng. Một mặt ta ủng hộ Philippines, mặt khác hợp tác với các nước trong khu vực có liên quan tới tranh chấp này để đấu tranh trên trường quốc tế là việc làm vô cùng cần thiết.

Lý luận "đây là vấn đề an ninh thế giới" cũng sẽ tạo điều kiện cho các nước lớn khác, ví dụ như Mỹ và Úc, có cơ hội tham gia vào giải quyết vấn đề. Nước Mỹ, như nhiều nước khác, đang phải đối mặt với vấn đề kinh tế và quân sự của chính họ; nguồn lực kinh tế có hạn khiến việc dàn trải quân sự là vô cùng khó khăn.

Từ vài năm trở lại đây, chính phủ Mỹ đã cắt giảm rất nhiều chi tiêu cho quân sự. Trong lúc đó, Tây Âu không hề muốn mất cái ô an ninh của Mỹ, và khủng hoảng ở Ukraina cho thấy rõ điều đó. Cho tới gần đây, bất chấp những lời tuyên bố của chính phủ Mỹ về chiến lược "xoay trục," chưa hề có dấu hiệu hoạt động của Mỹ ở châu Âu đã và đang giảm; và tất nhiên trong tương lai Tây Âu (kể cả một số nước Trung Đông) sẽ làm mọi cách để vẫn được là tâm điểm trong ra-đa của Mỹ.

Do đó, muốn Mỹ cụ thể hóa "xoay trục" sang châu Á, ta không thể ngồi đó trông chờ vào "tuyên bố" của họ mà phải tích cực và chủ động tạo điều kiện cho họ tham gia. Ngoài ra, nếu nói đây là vấn đề an ninh quốc tế thì cũng sẽ khiến chính Tây Âu tự nới lỏng để cho Mỹ quay sang khu vực này.

Dân ta không sợ giặc, dân ta không ngại đánh giặc. Nhưng làm thế nào để vẫn đạt mục đích với thiệt hại thấp nhất mới là điều khó. Không dùng gươm đao mà vẫn khiến quân thù phải lùi bước, đó mới là thượng sách.

Minh Nguyệt (Từ Mỹ)

Bài cùng tác giả:

Hòa giải: Câu chuyện có thể có hồi kết

Chúng ta cần thừa nhận những uẩn khúc rất đời, để mỗi người Việt dù ở phía nào đều thấy chân dung mình trong đó.

Bài liên quan:

>> TQ đặt giàn khoan vì 'vị trí chiến lược tối quan trọng'/ Nếu xé lẻ, ASEAN không thể đương đầu Trung Quốc/ TQ: Xuống giọng tinh quái và 'tấn công ru ngủ'/ VN thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?/ Yêu nước hung hăng giúp ích gì cho Biển Đông?/ Các triều đại TQ xâm phạm Việt Nam đều bại