Tại cuộc làm việc với NHNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán – những vấn đề tiềm ẩn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, được dư luận, người dân và cả Chính phủ rất quan tâm thời gian qua. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe đánh giá, suy cho cùng chuyển đổi số thể hiện minh bạch hóa và càng minh bạch bao nhiêu thì chuyển đổi số càng mạnh. Rất đơn giản thôi tại sao thu phí giao thông đường bộ cứ thủ công mãi, mãi bây giờ mới thực hiện được?

Bởi vì không muốn đổi mới thôi chứ đổi mới rất tiện, rất minh bạch, doanh thu bao nhiêu rất rõ. Trong chuyển đổi số, nếu theo dõi đánh giá về lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu rồi những lĩnh vực khác thì tôi nghĩ ngành ngân hàng sẽ chủ động kiểm soát được và cũng sẽ giúp cho ban lãnh đạo các ngân hàng thương mại thấy được thực trạng qua việc báo cáo thống kê minh bạch hơn, đưa ra số liệu minh bạch hơn, kể cả thực hiện Basel 2, Basel 3 mạnh hơn. Lúc đó Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở nguồn lực của mình để tự quyết định chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.

Chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng trong tương lai, thể hiện sự văn minh. Vì vậy tôi rất mong muốn quá trình chuyển đổi sổ của Việt Nam nói chung và ngân hàng nói riêng trong thời gian tới sẽ có bước đột phá mạnh mẽ nhất. Rất kỳ vọng Luật Giao dịch điện tử bổ sung kỳ này phù hợp với thực tiễn để làm sao không riêng ngành ngân hàng mà tất cả các bộ ngành có thể từng bước chuyển đổi số thành công.

Đứng về phía đại diện các ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng) chia sẻ, trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại cần chuyển đổi nhận thức. Trước có thể quan tâm sản phẩm dịch vụ thì nay quan tâm đến đối tượng phục vụ khách hàng. Chuyển đổi số ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng thì mục tiêu quan trọng nhất là làm sao phải để khách hàng của mình là thượng đế thực sự, sử dụng dịch vụ của mình an toàn hiệu quả và tiện dụng nhất. Bởi vậy, đối với ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại, tôi cho rằng điều đầu tiên là chuyển đổi nhận thức tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên trong hệ thống, xác định được lấy khách hàng là trọng tâm.

Ông Hùng nhấn mạnh, muốn lấy khách hàng là trọng tâm thì trong quá trình chuyển đổi số, đảm bảo an toàn cho khách hàng là điều đầu tiên.

Thứ hai là phải đào tạo đội ngũ nhân viên mang tính chuyên nghiệp, phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số, chứ không phải chuyển đổi công nghệ là xong. Phải đào tạo con người ngành mình phù hợp với cả quá trình chuyển đổi số về quy trình, kỹ năng sử dụng, tư cách đạo đức.

Thứ ba, phải có quy trình phòng ngừa rủi ro tới mức cao nhất, và trong thời gian tới, đối với chuyển đổi số phải có ứng dụng phòng chống rửa tiền. Các ngân hàng phải nhận thức vấn đề này.

Vấn đề nữa theo ông Hùng cần hết sức quan tâm là làm tốt đến mấy mà người dân, người sử dụng sản phẩm của mình không hiểu, không chia sẻ được thì cũng không được. Vì vậy các ngân hàng thương mại phải đặt mục tiêu chiến lược của mình trong việc truyền thông quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình để người dân hiểu, chia sẻ, sử dụng một cách an toàn hiệu quả, đảm bảo làm sao người dân có thể bảo mật thông tin, không bị kẻ gian lợi dụng, không bị hack. Tất cả những việc như vậy có thể xảy ra nhưng người dân hiểu biết được thì chắc chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được rủi ro.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm tổng hợp những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong thực tiễn để chuyển đến cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời nhất đảm bảo ứng dụng an toàn, hiệu quả. Trong thời gian tới không chỉ riêng ngành ngân hàng mà tôi nghĩ tất cả các ngành khác cũng sẽ từng bước chuyển đổi số.

Và khi sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử thời gian tới, chắc chắn ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng sẽ có rất nhiều việc phải làm. 

Ngọc Dũng, Thu Hiền, Thảo Hiền