Ngay sau chỉ đạo của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú về việc giảm lãi suất cho vay và cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm. Trong đó, nhiều ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay từ nay đến hết năm 2021.

Đơn cử, Vietcombank quyết định giảm lãi suất tiền vay đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ ngày 15/7 đến hết 31/12. Trong đó, khách hàng doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh được giảm 1% lãi vay và giảm tối đa 1% đối với nhóm ngành còn lại. Khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh được giảm 1% và giảm tối đa 0,5% với khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống.

MBBank đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của nhiều đối tượng khách hàng từ 1,5%-2%/năm so với mức cho vay hiện tại và giảm 50% số tiền lãi phải thu của các khách hàng đến thời điểm hiện tại (tương đương mức lãi suất cho vay giảm 3%-4%/năm). 

{keywords}
Một số doanh nghiệp đã nhận được thông báo giảm lãi suất cho vay

Tương tự, ngân hàng ACB cũng giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn; đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến 31-10-2021...

MSB cũng vừa thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 3%/năm so với lãi suất hiện hành của MSB từ nay đến ngày 31.12.2021 nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đối với khách hàng cá nhân, MSB giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng vay vốn phục vụ kinh doanh (hộ kinh doanh) và giảm 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.

Theo ngân hàng này, tính đến 30/6/2021, MSB đã giải ngân 6.000 tỉ đồng cho các khách hàng doanh nghiệp.

Tại BIDV, từ ngày 15/7 đến 31/12/2021, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.

Trong đó,, BIDV giảm lãi suất cho vay trên số dư hiện hữu đối với: các khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 (lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải…); các khách hàng tại các chi nhánh thuộc vùng dịch, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn; các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh.

Nửa đầu năm 2021, BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với tổng quy mô lên đến 368 nghìn tỷ đồng và đã chủ động giảm thu nhập 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã nhận được thông báo giảm lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại.

Theo các doanh nghiệp này, mức lãi suất này ở thời điểm hiện tại là hợp lý trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu tác động của dịch Covid-19. Bởi, lãi vay giảm thêm sẽ giúp họ giảm bớt chi phí tài chính. Song, họ cũng kỳ vọng được giải ngân thêm vốn lưu động để duy trì hoạt động của công ty.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho doanh nghiệp rất tích cực. Sự đồng thuận này thể hiện quyết tâm của ngân hàng thực hiện mong muốn của Chính phủ trong việc ổn định và giảm lãi để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng tốt nhất, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, lãi suất phải vận động theo quy luật thị trường, lãi suất cho vay phụ thuộc vào lãi suất huy động. Nếu lãi suất đầu vào giảm sâu khiến dòng tiền “chảy” ra khỏi hệ thống ngân hàng. Vì vậy, ngoài giảm lãi suất, cơ quan chức năng cần có giải pháp đồng bộ như miễn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất. Đồng thời, hỗ trợ tiêm vắc-xin cho người lao động tại các doanh nghiệp. Bởi, chỉ khi nào, doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại, nền kinh tế mới thực sự phục hồi.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bài và ảnh: Thu Thủy