Cơn mưa lớn chiều nay, 29/5 tại Hà Nội khiến không ít con đường tuyến phố bị ngập sâu. Trong đó, rất nhiều mô tô, xe máy đang lưu thông bị chết máy và trở thành nạn nhân của những đoạn đường ngập.

Việc xe phải băng qua những đoạn đường ngập sâu dẫn đến chết máy, hỏng xe là điều không ai mong muốn. Tuy vậy, khi không may bạn ở trong trường hợp này thì cần nắm rõ những kiến thức và nguyên tắc dưới đây để có hướng xử lý phù hợp nhất.

Cơn mưa chiều 29/5 khiến nhiều con phố ở Hà Nội thành "sông". (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Nguyên nhân chính khiến xe bị chết máy

Theo một số thợ sửa xe máy có kinh nghiệm, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc xe bị chết máy khi đi vào vùng ngập nước:

- Thứ nhất là do nước ngập vào đến bu-gi khiến bộ phận này không đánh được lửa.

- Thứ hai là do nước chui vào ống hút gió và chảy xuống chế hòa khí, hòa lẫn vào xăng làm xe không thể nổ được.

- Thứ ba là nước chui vào ống xả làm tắc đường thoát, thậm chí còn chui ngược vào đến động cơ.

Với các nguyên nhân trên, tuỳ vào mức độ mà có thể gây ra những hệ quả khác nhau. Nhẹ thì sẽ khiến chiếc xe của bạn không thể đi được trong một khoảng thời gian, còn nặng có thể gây hỏng máy với chi phí khắc phục đến tiền triệu.

Làm gì để tránh việc xe bị chết máy khi đi đường ngập?

Để tránh tối đa rủi ro do đi vào những đoạn đường ngập, các chuyên gia có một số lời khuyên như sau:

- Ước lượng và hạn chế tối đa đi vào vùng ngập

Khi thấy một đoạn đường ngập nước, hãy quan sát và ước lượng độ sâu trước khi quyết định đi vào. Đồng thời, bạn có thể quan sát xem những chiếc xe tương tự loại xe của mình có di chuyển được qua những đoạn đường ngập đó không. Thông thường, với những mẫu xe máy bố trí cổ ống xả cao sẽ có khả năng lội nước tốt hơn.

Những người có kinh nghiệm cho rằng, với xe máy thì bạn không nên di chuyển vào đoạn đường có mức nước xấp xỉ cổ ống xả hoặc ngập một nửa bánh xe. Nếu bạn đi vào nhưng đoạn đường ngập sâu như vậy, rất dễ làm nước chui vào ống xả, gây tắc khiến xe chết máy.

Nếu có thể thì nên chọn một cung đường khác hoặc chờ đến khi nước rút thì mới nên “lội” qua để tránh rủi ro không đáng có.

- Kinh nghiệm đi qua đoạn đường ngập 

Khi bắt buộc phải đi qua những đoạn đường ngập, hãy chú ý quan sát vị trí cao nhất của mặt đường để di chuyển. Thông thường, khu vực tim đường sẽ là nơi cao nhất. Bạn không nên đi vào lề đường, vừa là khu vực ngập sâu và còn có nguy cơ đi vào các hố ga, miệng cống thoát nước rất nguy hiểm.

Nếu đi xe số, bạn nên để số thấp (số 1 hoặc số 2) để đi từ từ qua đoạn ngập. Còn với xe tay ga, bạn cố gắng giữ thật đều ga và có thể sử dụng thêm phanh, tránh tăng giảm ga đột ngột.

Khi thấy chiếc xe của mình khó có thể đi qua được, đừng ngại xuống xe, tắt máy và dắt xe qua vùng nước sâu. Nếu đi cố, chiếc xe của bạn có thể sẽ bị chết máy và cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để khắc phục.

Khi đã đến một nơi cao ráo, bạn không nên khởi động xe đi ngay mà cần tìm một vị trí thích hợp để nổ máy và rồ ga để nước trong ống xả thoát hết ra ngoài. Khi nào tiếng xe nổ “tròn” thì mới lên xe và tiếp tục di chuyển.

Nếu không có chuyên môn, tốt nhất là mang xe ngay đến những địa chỉ sửa chữa xe máy ven đường để nhờ xử lý khi xe bị chết máy. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Xử lý thế nào trong trường hợp xe bị chết máy?

Khi chiếc xe của bạn không may bị chết máy giữa đoạn đường ngập, hãy bình tĩnh để xử lý để tránh tối đa việc chiếc xe của bạn bị hỏng nặng hơn.

Đầu tiên, bạn nên tắt ngay máy và dắt xe đến một vị trí cao ráo cho nước tự chảy ra khỏi các bộ phận của xe, không nên cố khởi động ngay vì nước có thể đã xâm nhập vào máy, sẽ gây hại cho động cơ và hệ thống chế hoà khí.

Trong trường khởi động lại xe 2-3 lần mà không được, lúc này bạn không nên tiếp tục khởi động nữa vì có thể chiếc xe của bạn đã gặp vấn đề thuộc 1 trong 3 nguyên nhân ở phía trên. Tuỳ vào từng nguyên nhân mà có cách xử lý khác nhau.

Đơn giản nhất, khi bu-gi của bạn bị ngấm nước khiến bộ phận này không đánh lửa được, chúng ta có thể tháo bu-gi ra bằng đồ chuyên dụng được nhà sản xuất trang bị theo xe, làm sạch và lau khô bu-gi bằng giẻ khô, sau đó lắp vào và thử khởi động lại.

Nguyên nhân thứ hai, nếu chiếc xe bị nước vào chế hoà khí, bạn cần khóa xăng và xả cho hết số xăng cũ còn đọng lại trong bộ chế hòa khí, sau đó mở lại xăng. Có thể làm lại 1-2 lần nữa cho nước hết hẳn và khởi động máy. Lúc này cần kéo "le gió" để dễ khởi động hơn.

Còn với trường hợp nước đã vào động cơ, lúc này chắc chắn bạn sẽ phải nhờ đến thợ sửa xe chuyên nghiệp để xả toàn bộ dầu nhớt trong xe, sau đó làm sạch khoang máy và thay dầu mới. Không loại trừ trường hợp xe bạn sẽ bị 2 đến 3 nguyên nhân cùng lúc và phải xử lý khá mất thời gian.

Thông thường, để vệ sinh, làm sạch bu-gi, chi phí tốn khoảng từ 10.000- 20.000 đồng. Để thay bu-gi mới, với các loại xe phổ thông, chi phí dao động từ 60.000-100.000 đồng tuỳ hãng sản xuất. Với các lỗi nặng hơn, phải xúc rửa chế hoà khí, thay dầu, thay thế các bộ phận khác,... chi phí có thể tới vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu.

Ngoài ra, để đảm bảo chiếc xe hoạt động ổn định về lâu dài, bạn cũng nên nhờ thợ sửa xe kiểm tra các chi tiết máy, vệ sinh và làm khô hệ thống phanh, các mạch điện để chiếc xe hoạt động được an toàn, trơn tru.

Và một lời khuyên của các chuyên gia, đó là "phòng bệnh hơn chữa bệnh", tức là nếu có thể thì không nên cố băng vào những đoạn đường ngập sâu để tránh rủi ro không đáng có cho cả người và xe.

Hoàng Hiệp

Bạn có kinh nghiệm nào trong việc này? Hãy gửi ý kiến ở phần bình luận dưới bài viết. Các câu hỏi xin tư vấn gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!