XEM CLIP:

Theo thống kê của Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội), trong 4 tháng đầu năm 2023, tại đoạn đường Đại lộ Thăng Long do đội quản lý đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 2 người. Các vụ tai nạn này đều do xe máy bất chấp nguy hiểm đi vào làn đường cao tốc.

Vụ tai nạn nghiêm trọng làm 1 người thiệt mạng vào sáng 5/5 (Ảnh: Đức Mạnh)

Gần đây nhất, ngày 5/5, xe máy mang BKS 88H1-352.XX do chị N.T.V.A. (SN 2000, trú tại Vĩnh Phúc) điều khiển đã va chạm với ô tô khách mang biển số 15F-001.XX do tài xế T.V.L. (SN 1994, trú tại Hải Phòng) điều khiển tại Km4+00 làn đường cao tốc Đại lộ Thăng Long. Vụ tai nạn khiến chị A. tử vong tại chỗ.

Cách đó 3 tháng, vào ngày 1/2, người đàn ông điều khiển xe máy đi vào cao tốc đã va chạm với ô tô mang BKS 98C-117.XX tại Km14+850 thuộc địa phận xã Vân Côn, huyện Hoài Đức. Hậu quả, tài xế xe máy Đ.T.T. (SN 1987, trú tại Thạch Thất, Hà Nội) tử vong tại chỗ.

Hàng loạt xe máy đi vào làn cao tốc Đại lộ Thăng Long 
Xe máy đi vào cao tốc, lấn làn ô tô đang đi với vận tốc tối đa 80km/h.
Thậm chí có tài xế xe máy vừa đi vừa dùng điện thoại di động.
Một xe lôi tự chế chở cồng kềnh cũng đi vào cao tốc.

Theo ghi nhận của PV VietNamNet trong sáng 10/5, vẫn có hàng trăm lượt xe máy bất chấp nguy hiểm đi vào làn cao tốc.

Những chiếc xe máy nối đuôi nhau đi trong cao tốc vốn chỉ dành cho ô tô lưu thông với tốc độ tối đa đến 80km/h. Thậm chí, nhiều người vừa điều khiển xe máy vừa dùng điện thoại hoặc không đội mũ bảo hiểm. Khi bị lực lượng CSGT dừng xe, xử lý thì ai cũng cố lý giải cho hành vi vi phạm của mình. 

Tài xế H.Đ.V. bị dừng xe, xử lý khi vừa rời khỏi cao tốc.

Anh H.Đ.V. (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đây là lần đầu tiên anh vi phạm lỗi điều khiển xe máy đi vào làn cao tốc của Đại lộ Thăng Long.

“Hôm nay, tôi đi làm muộn quá nên đánh liều đi vào thử một lần. Mọi khi tôi tuân thủ luật nên chỉ đi ở đường gom. Đi vào đây thấy cũng nguy hiểm, lại còn bị phạt nên tôi sẽ không tái phạm”, anh V. nói. 

Anh B.C.H. (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết đã chứng kiến vụ tai nạn chết người cách đây 5 ngày tại tuyến cao tốc này, nhưng vì hôm nay quá vội đi làm nên đi xe máy vào.

“Đi vào cao tốc thì tôi cũng sợ, không dám đi nhanh, chỉ đi ép sát vào bên trong cùng của đường”, anh H. phân bua. 

Nhận mức phạt nặng, anh B.C.H. hứa sẽ không tái phạm lỗi đi xe máy vào đường cao tốc.
Tài xế vi phạm quay đầu bỏ chạy khi thấy lực lượng CSGT.

Bên cạnh những trường hợp vi phạm nhận thức được hành vi của mình là sai thì cũng có trường hợp tìm cách xin bỏ qua vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng CSGT.

Ví dụ như trường hợp nữ tài xế P.T.T.T. (SN 1998, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội), khi bị lực lượng CSGT dừng xe, xử lý vi phạm, nữ tài xế không xuất trình được bằng lái xe, đăng ký xe và căn cước công dân. Không những vậy, chị T. còn liên tục gọi điện cho người thân để xin bỏ qua vi phạm.

Sau hơn 30 phút CSGT thuyết phục, giải thích lỗi vi phạm, nữ tài xế mới chấp hành ký vào biên bản xử phạt.

Nữ tài xế T. điều khiển xe máy trong làn cao tốc Đại lộ Thăng Long.
Khi bị lập biên bản xử phạt, nữ tài xế liên tục gọi điện thoại cho người thân nhờ xin bỏ qua vi phạm.

Trung úy Nguyễn Đức Phương, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 6 cho biết, đối với lỗi điều khiển xe máy đi vào làn đường cao tốc, người vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng. Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày. 

“Trong quá trình dừng xe, xử lý vi phạm, lực lượng CSGT gặp không ít khó khăn khi người vi phạm biết mức phạt nặng nên tăng ga lao thẳng vào tổ công tác hoặc quay đầu xe bỏ chạy”, Trung úy Nguyễn Đức Phương chia sẻ. 

Theo vị cán bộ của Đội CSGT đường bộ số 6, vì hành vi điều khiển xe máy đi vào cao tốc là đặc biệt nguy hiểm cho người lái xe và người tham gia giao thông khác nên Đội 6 cương quyết xử lý, không chấp nhận can thiệp xin bỏ qua vi phạm.