Ngày 9/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật thi hành án hình sự. Theo Nghị định, thời gian chấp hành án phạt tù ở trại giam, phạm nhân có nghĩa vụ phải lao động để cải tạo và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Hiện các trại giam của Việt Nam thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho phạm nhân đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; các biện pháp giáo dục phạm nhân luôn đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật.

{keywords}
Phạm nhân lao động ở khu sản xuất tại Trại giam Hoàng Tiến. Ảnh: Bộ Công an

Công tác dạy nghề đã góp phần quan trọng và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Thông qua lao động, phạm nhân có những thay đổi về nhận thức, có tiến bộ trong quá trình cải tạo; đồng thời tạo điều kiện cho phạm nhân có nghề nghiệp để có thể xin việc, có công ăn việc làm khi tái hòa nhập xã hội. Thực tế những phạm nhân được các cơ sở, doanh nghiệp nhận vào làm việc, có thu nhập, đảm bảo được cuộc sống. 

Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng cho biết, quan điểm xuyên suốt của Cục trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân đó là cải tạo chính trị, tư tưởng kết hợp với cải tạo lao động.

Trong đó, chính sách nhân đạo là cốt lõi nhất, đó là làm thế nào để phạm nhân chuyển biến về nhận thức, xác định rõ sai phạm, tội lỗi để phấn đấu, cải tạo tiến bộ. 

Làm được điều đó, thì ngoài giáo dục chính trị, văn hoá thì giáo dục dạy nghề để tạo công ăn, việc làm cho họ khi ra Trại có công ăn việc làm ổn định, tự lo cho bản thân, gia đình, phòng ngừa tái phạm là công tác rất quan trọng và thiết yếu, bởi nếu có công ăn việc làm với thu nhập ổn định thì phạm nhân sẽ không tái phạm.

Các trại chủ yếu là truyền nghề, hiện nay, nhờ lấy kết quả lao động sản xuất của phạm nhân, các Trại đã ký hợp đồng với các Trung tâm dạy nghề để đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân. Kết quả lao động đã đưa lại lợi ích rất lớn. 

Cụ thể, các Trại giam đã sử dụng kết quả này để đầu tư các nhà xưởng để phạm nhân lao động, tổ chức chọn lọc nghề để truyền dạy cho phạm nhân, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

Bên cạnh đó, kết quả lao động được bổ sung vào bữa ăn, khen thưởng các phạm nhân có thành tích cải tạo tốt, động viên các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, đồng thời trích lại để tái hoà nhập cộng đồng, giúp phạm nhân sau khi ra Trại có một chút vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Trung tướng Hồ Thanh Đình chia sẻ câu chuyện về tạo điều kiện cho phạm nhân lao động mà ông chính là “người trong cuộc”. Khi đó, ông đang là Giám thị Trại giam Thủ Đức - nơi giam giữ, cải tạo nhiều phạm nhân phạm tội về an ninh quốc gia. Trong số đó, có 1 phạm nhân thường xuyên “ốm đau”, khiếu kiện không yên tâm cải tạo, thậm chí tìm cách chống đối. 

{keywords}
Phạm nhân đang tích cực lao động, sản xuất dưới sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ.

Chính vì vậy, Ban Giám thị đã tìm biện pháp giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để phạm nhân lao động, trồng cây. Theo đó, Trại đã “khoanh” cho phạm nhân này 1 khoảnh đất hơn chục m2 ngay gần phòng giam để phạm nhân này trồng cây. Hàng ngày, phạm nhân này cuốc xới, trồng hoa và cây ăn quả.

Thu hoạch quả đu đủ chín đầu tiên, phạm nhân này đã tặng con gái khi con vào thăm và xúc động nói rằng: "Đây là thành quả lao động của bố. Cả đời bố làm nhiều việc sai trái, ở đây, được các cán bộ giúp đỡ, quan tâm, cho bố được làm việc, bố mới thấy hết được giá trị của lao động, của cuộc sống. Bố sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được về nhà". 

Từ đó, phạm nhân này đã tích cực cải tạo không còn khiếu kiện, chống đối nữa. Từ những kinh nghiệm thực tế công tác của mình, Trung tướng Hồ Thanh Đình khẳng định rằng, muốn giáo dục con người, đặc biệt là người từng phạm tội chắc chắn phải qua lao động. 

Sự tiến hoá của loài người cũng phải thông qua lao động. Từ lao động, con người biết suy nghĩ, tư duy, nhận thức và biết trân trọng giá trị của bản thân mình.

Trung tướng Hồ Thanh Đình nhấn mạnh lao động là một trong những biện pháp bắt buộc để cải tạo phạm nhân. Đây cũng là cách để giúp các phạm nhân sau khi mãn hạn tù sớm trở về có thể kiếm được việc làm và tái hoà nhập cộng đồng.

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có đề cập các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, trong đó có quyền được lao động, học tập, học nghề và nghĩa vụ.

 Điều 30, 32 Luật này cũng có các quy định cụ thể về lao động của phạm nhân. 

Cụ thể: “Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh hoạt”; “Phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khoẻ và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hoà nhập cộng đồng. Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, quản lý của trại giam, trại tạm giam. Thời gian lao động của phạm nhân không quá 8 giờ trong 1 ngày và 5 ngày trong 1 tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, tết theo quy định của pháp luật…; “Phạm nhân nữ được bố trí làm công việc phù hợp với giới tính; không được bố trí làm công việc không sử dụng lao động nữ theo quy định của pháp luật về lao động”; “Phạm nhân bị bệnh hoặc có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì tuỳ mức độ, tính chất của bệnh và trên cơ sở chỉ định của y tế trại giam, trại tạm giam được miễn hoặc giảm thời gian lao động”; “Phạm nhân được nghỉ lao động trong các trường hợp sau đây: a) Phạm nhân bị bệnh, không đủ sức khoẻ lao động và được y tế trại giam xác nhận; b) Phạm nhân đang điều trị tại cơ sở y tế; c) Phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi đang ở cùng mẹ trong trại giam mà bị bệnh, được y tế trại giam xác nhận; d) Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động”.

Với quy định trên thì bất cứ phạm nhân nào, là công dân Việt nam hay người nước ngoài, thân phận và địa vị pháp lý của họ ra sao đều buộc phải chấp hành án trong các cơ sở giam giữ phải lao động, học tập, học nghề để trở thành người có ích cho xã hội... Nói cách khác, lao động vừa là quyền, đồng thời là nghĩa vụ của phạm nhân trong quá trình chấp hành bản án của toà án tại các cơ sở giam giữ. 

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam coi việc lao động của các phạm nhân trong trại giam không phải là hoạt động nhằm mục đích kinh doanh mà là hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề. 

Với phương châm trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục cải tạo, lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân góp phần cải tạo những tư tưởng ăn bám, lười lao động, không biết tôn trọng các sản phẩm lao động, thành những người biết trân trọng giá trị lao động chân chính, có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật trong lao động.

Mộc Miên