Phạm Thu Hà là nghệ sĩ thanh nhạc biểu diễn chuyên nghiệp được đào tạo tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô có tình yêu đặc biệt với âm nhạc cổ điển nhưng năm 2012 cô quyết định đi theo dòng bán cổ điển. Sự thay đổi này khiến Thu Hà gặp không ít khó khăn nhưng bù lại cô đã được giới chuyên môn ghi nhận, đặc biệt nữ ca sĩ đã từng 2 lần được đề cử và 1 giải Cống hiến.
- Trong khi nhiều ca sĩ khác đang mở rộng biên độ khán giả của mình thì Phạm Thu Hà vẫn chung thuỷ với dòng nhạc bán cổ điển, điều gì khiến chị kiên định tới vậy?
Trước đây, khi hợp tác với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, tôi nhớ mãi lời anh dặn: “Phạm Thu Hà không thể nào bước chân vào showbiz được. Em chỉ nên bước một chân mình vào thôi, để thấy được showbiz là như thế nào. Còn em vẫn nên bước ra một chân để giữ lại sự tĩnh tại, bình an vốn có của em”. Và chính vì sự nhận biết thực tại một cách nhạy cảm và chính xác đó nên tôi có thể phân định rõ ràng giữa việc khi đang làm nghệ thuật hay khi đang ở bên ngoài với cuộc sống riêng của mình. Cả sự kiên định với dòng nhạc này phần nhiều là do tôi yêu âm nhạc cổ điển, còn một phần nữa đó là tôi mong con đường mình đi nhiều bình an.
- Ai đã phát hiện và hướng chị theo dòng nhạc này?
Người thầy ảnh hưởng trực tiếp đến tôi từ khi tôi mới học tạo nguồn tại trường Nhạc viện Hà Nội là cô Mỹ Bình. Cô cũng là người đầu tiên cho tôi biết thanh nhạc cổ điển. Cô không những dạy tôi về cách hát cổ điển, xử lý tác phẩm thanh nhạc mà còn dạy tôi cung cách sống của một người nghệ sĩ chân chính, một người phụ nữ khi quay về với gia đình. Cô giống như một người mẹ thứ 2 và ảnh hưởng rất nhiều đến tôi trong bước đi đầu tiên về âm nhạc.
Người thầy thứ hai mà tôi không thể không nhắc đến đó là GS-NSND Trung Kiên, người đã hướng dẫn tôi 8 năm từ trung cấp, đại học đến cao học. Thầy đã là người hướng dẫn và giúp tôi có được kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện hơn, tạo điều kiện cho tôi được sang Áo học cao học nâng cao về thanh nhạc biểu diễn. Kiến thức âm nhạc của tôi cũng rộng hơn từ kho tàng tài liệu xuất bản về thanh nhạc cổ điển của thầy. Không chỉ với riêng tôi mà các thế hệ sau này cũng được lĩnh hội những giá trị từ kho kiến thức thanh nhạc cổ điển ấy. Thầy chưa bao giờ thôi truyền tải tất cả những điều mình có, là kỹ thuật, kiến thức hay tinh thần đến tôi, cũng như bao thế hệ nghệ sĩ, giảng viên khác.
Người thứ ba tuy không giảng dạy trực tiếp cho tôi nhưng là người đã đặt cho tôi những viên gạch đầu tiên để xác định việc trở thành nghệ sĩ cổ điển giao thoa là nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Anh là một tấm gương rất lớn ảnh hưởng đến tôi về đạo đức nghề nghiệp, sự nghiêm cẩn và thổi vào trong tôi rất nhiều năng lượng tích cực cho cuộc sống và âm nhạc để tôi có nhiều cảm hứng trong dòng nhạc của mình.
- Chị có nghĩ rằng dòng nhạc mình đang theo đuổi khó nhất và nhiều thử thách nhất?
Ngay từ khi tôi lựa chọn con đường này, là một ca sĩ bán cổ điển – tôi đã xác định đây là một dòng nhạc rất kén người nghe, đòi hỏi nghệ sĩ theo đuổi phải rất kiên định. Tôi luôn có một điều hơi duy tâm, có lẽ Trời Phật và tổ nghề đã độ, ưu ái cho tôi rất nhiều để tôi được bơi trong sở trường của mình. Thử thách lớn nhất là sau mỗi giải thưởng, thành tựu mình đạt được, tôi lại càng phải cố gắng hơn nữa để đứng vững, sống với nghề và cống hiến cho khán giả của mình.
Chưa bao giờ tôi ngừng say mê với dòng nhạc mình đang theo đuổi. Ước mơ của tôi là muốn mang âm nhạc cổ điển gần hơn với công chúng yêu nhạc. Cái được là được khán giả ghi nhận sự đóng góp của tôi với dòng nhạc này. Tôi nhận được rất nhiều sự yêu mến, gặp được rất nhiều duyên lành trên con đường mà tôi đang đi. Sự “được” này làm cho tôi có nhiều hạnh phúc và nhiệt huyết với âm nhạc.
- Lần đầu tham gia Điều còn mãi do báo VietNamNet tổ chức vào ngày 2/9 tới, cảm xúc của chị như thế nào?
Đây là lần đầu tiên tôi tham gia chương trình Điều còn mãi của VietNamNet vào ngày 2/9 tới. Chương trình hòa nhạc quốc gia này đã trở thành chương trình thân quen của khán giả mỗi dịp Quốc khánh – ngày hội của dân tộc. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được mời tham gia.
- Kế hoạch âm nhạc sắp tới của chị là gì?
Tôi có nhiều ước mơ, có nhiều mong muốn để cống hiến cho con đường âm nhạc. Gần nhất là ra mắt sản phẩm Classic Meets Dance với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Sau đó là đĩa than qua các bản phối của nhạc sĩ Trần Thanh Phương, nhạc sĩ Lưu Hà An, nhạc sĩ Huyền Trung cùng sản xuất cho tôi chủ đề nhạc tình ca cách mạng. Năm sau tôi sẽ làm một liveshow để đánh dấu 10 năm con đường âm nhạc của mình đầy đủ ý nghĩa để cống hiến cho khán giả một đêm nhạc classic cross-over (cổ điển giao thoa - PV) đúng nghĩa.
- Tôi đã thấy một Phạm Thu Hà chỉn chu trên sân khấu, hài hước trên trang cá nhân, còn ngoài đời thì sao?
(Cười) Mọi người hay nói Facebook là để sống ảo nhưng với tôi nó không hề ảo. Ở trên đó tôi cảm nhận được ai là người như thế nào, ra sao. Quay trở lại với con người tôi trên Facebook rất hài hước, hóm hỉnh, tinh nghịch, dung dị với tất cả mọi người. Con người tôi ngoài đời cũng vậy thôi, rất tự nhiên và luôn mong muốn mang tiếng cười đến mọi người, thích chăm lo cho gia đình, nấu nướng và chăm sóc cây cảnh.
- Sau tấm màn nhung, với vai trò là người mẹ, chị chấm mình mấy điểm?
Hà và con trai là hai người bạn rất thân. Con yêu mẹ lắm nhưng đấy là những lúc Hà làm hài lòng cậu ấy. Còn những lúc không hài lòng thì lại cấu véo mẹ. Tình bạn của chúng tôi khi dịu dàng lúc lại sóng gió và nếu để chấm điểm thì chắc là Hà phải hỏi lại cậu bé (cười).
- Chị có thể chia sẻ một chút về cuộc sống riêng tư, về tình yêu?
Hiện tại tôi đang rất hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi có những người bạn đồng tu, cùng nhau làm những việc thiện nguyện, nâng đỡ và san sẻ nhau những lúc khó khăn, hạnh phúc. Đó là những thiện duyên mà tôi rất biết ơn khi có được và tôi cũng không có nhu cầu để mơ ước gì hơn thế.
Phạm Thu Hà hát "Đôi bờ"