Theo các chuyên gia, kiểm soát chất lượng mã số vùng trồng chính là điều kiện sống còn để chúng ta giữ được các thị trường, nhất là trong bối cảnh lạm phát kinh tế, xuất khẩu khó khăn như hiện nay. Để giữ được thị trường, để nông sản Việt có được chữ tín thì minh bạch hoá trong quản lý mã số là một đòi hỏi cấp thiết.
Cuối tháng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn 1776 hướng dẫn về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với những sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Theo đó đã phân cấp triệt để cho địa phương về quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. 20 loại trái cây đã được các địa phương chịu trách nhiệm chủ động kiểm tra thực tế, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp.
Hơn 8 tháng qua, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt mốc 33 tỷ USD, trong đó ngành rau quả đã là điểm sáng khi đã đem về cho Việt Nam 3,4 tỷ USD. Để hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD trong năm nay thì mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương đã cùng ngồi lại để bàn thảo các giải pháp quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Tuy nhiên, trên tổng số gần 7000 mã số vùng trồng và hơn 1600 cơ sở đóng gói thì tỷ lệ mã số được quản lý giám sát sau khi cấp còn rất thấp.
Vẫn tồn tại thực trạng cơ sở đóng gói tại vườn, thiếu cán bộ kiểm tra giám sát từ đầu tới cuối các khâu, không đảm bảo tuân thủ quy trình dễ dẫn đến bỏ sót các lô hàng chưa đảm bảo nhưng vẫn xuất khẩu có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Trong bối cảnh Việt Nam xuất mạnh nông sản vào Trung Quốc, với việc tăng nhanh số lượng được cấp mã số vùng trồng, Trung Quốc càng tăng cường kiểm tra các quy trình, nhất là khi ngành chức năng phát hiện số lô vi phạm tăng.
Khi vi phạm nhiều, phía Trung Quốc sẽ tăng cường tỷ lệ kiểm tra các lô hàng tại cửa khẩu, giám sát online tại vườn, tại cơ sở đóng gói, khiến cho chi phí xuất tăng lên.