Thời gian qua, trên các mặt báo, trang mạng lại tràn ngập những lời kêu gọi "giải cứu" cho hàng rau quả, nông sản: Hết vải, nhãn, củ cải ở các tỉnh phía Bắc, lại đến dưa hấu, sầu riêng ở phía Nam.
Điệp khúc "giải cứu" nông sản đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều mặt hàng nông sản mỗi khi được mùa.
Một nghịch lý khác, trong khi hoa quả, nông sản trong nước phải "giải cứu" thì sản phẩm tương tự từ Trung Quốc, Thái Lan vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam. Có thể thấy rõ điều đó khi dạo quanh các chợ từ thành thị đến nông thôn và ngay cả trong các siêu thị, nông sản ngoại nhập vẫn hiện diện với số lượng lớn. Hẳn mọi người vẫn chưa quên có lúc gạo từ Thái Lan được bản ở khắp nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất nước ta.
Một thực tế cũng đáng suy ngẫm là đôi khi người nông dân phải bán sản phẩm với giá rẻ thì người tiêu dùng vẫn phải sử dụng với giá đắt.
Rõ ràng đầu ra sản phẩm nông nghiệp là một bài toán lớn cần được tiếp sức từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiến tiến nhằm thu thập, dự báo thông tin thị trường.
Xác định việc thông tin thị trường và dự báo thị trường có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, ngành công thương tỉnh Đồng Tháp đã không ngừng nâng cao năng lực dự báo thị trường tiêu thụ nông sản để làm cơ sở giúp các huyện, thành phố định hướng cho người dân phát triển sản xuất, trong đó có Tổ Thông tin và Phân tích thị trường nông sản (gọi tắt là tổ) thành lập vào đầu năm ngoái.
Tổ có chức năng thu thập thông tin, dữ liệu giá cả thị trường từ các cộng tác viên, tổ chức, các chuyên gia, bộ, ngành liên quan để xây dựng bản tin thị trường; đổi mới, sắp xếp chuyên mục, biên tập, phổ biến bản tin thị trường (hằng tháng, hằng tuần) đến các hợp tác xã, hội quán, hội doanh nhân...
Để triển khai có hiệu quả hoạt động và chủ động hơn trong việc xây dựng các bản tin, kịp thời thông tin đến người dân, tổ thường xuyên cập nhật thông tin qua các hình thức (văn bản, website...) từ các bộ, ngành Trung ương liên quan đến nhu cầu thị trường, hợp tác giao thương, rào cản quy định liên quan đến nhập khẩu nông sản của các nước...;
Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới cộng tác viên tại một số chợ trong và ngoài tỉnh, hợp tác xã, thương lái, hộ kinh doanh để cung cấp thông tin giá cả thị trường hàng tuần hoặc đột xuất khi có biến động giá cả thị trường để cung cấp cho hợp tác xã, hội quán, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong việc quản lý, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ đơn vị (tổ đã thiết lập 10 cộng tác viên là tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp định kỳ, đột xuất các thông tin về giá cả thị trường).
Tổ cũng phối hợp với các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), chuyên gia nông nghiệp nghiên cứu, phân tích số liệu, thông tin giá cả thị trường, đánh giá tình hình thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và trên thế giới. Từ đó, tổ đề xuất các giải pháp, định hướng sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin giá cả thị trường, bài viết phân tích, đánh giá, dự báo thị trường của các chuyên gia, tổ tổng hợp, biên tập, in ấn và phổ biến thông tin đến các hợp tác xã, hội quán, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh biết, nắm thông tin qua các hình thức như: đăng website, gửi qua email, Zalo... để người đọc kịp thời cập nhật thông tin.
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hoạt động của Tổ Thông tin và Phân tích thị trường nông sản vẫn còn một số hạn chế.
Theo đó, bản tin thị trường đến người đọc thường có thời gian trễ nhất định nên có lúc chưa giúp người đọc cập nhật kịp thời biến động giá cả thị trường; nội dung bản tin chưa đa dạng, một số lĩnh lực còn hạn chế thông tin như: sản xuất an toàn, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, các rào cản thương mại; việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm nên việc triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường nông sản theo chuỗi giá trị (thông tin thổ nhưỡng, đất đai, mùa vụ, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thông tin giá cả thị trường trong nước và thế giới, tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu) còn gặp nhiều khó khăn...