Việc mới, khó, chưa có tiền lệ
Hội thảo “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn thương mại điện tử (TMĐT)”, do Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức diễn ra vào sáng 22/7.
Phát biểu khai mạc, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nhận định: “Nông nghiệp được xác định là 1 trong 4 trụ cột để phát triển Hậu Giang, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh là khoảng 27%. Việc phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chuyển đổi số, đặc biệt chuyển đổi số nông nghiệp là nội dung mới, khó, chưa có tiền lệ. Việc đưa các hộ SXNN (là đối tượng có kỹ năng số còn hạn chế) tham gia các sàn TMĐT và các hoạt động kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức”.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn là xu hướng tất yếu hiện nay. Thế nhưng nông dân Hậu Giang mới làm quen với sàn TMĐT, nên sản phẩm cung ứng qua các sàn chưa nhiều.
Sở Công thương Hậu Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia gian hàng trên các sàn giao dịch TMĐT trong nước phổ biến hiện nay như: Postmart, Vỏ Sò… Đến tháng 6/2022, 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của tỉnh đã được đưa lên 2 sàn Postmart và Vỏ Sò, hàng chục tấn nông sản đã được tiêu thụ.
Ngành TT&TT đồng hành
Đồng hành chuyển đổi số nông nghiệp tại địa phương, Sở TT&TT hiểu rõ những khó khăn, thách thức phải đối mặt trên hành trình đưa nông dân Hậu Giang “lên sàn”.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT, tổ trưởng tổ Công tác Hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT tỉnh nêu một số khó khăn điển hình: Thiếu nguồn kinh phí để tổ chức đào tạo, hướng dẫn; nhiều hộ chưa sử dụng điện thoại thông minh hoặc có sử dụng nhưng kỹ năng còn hạn chế, ngại thay đổi tư duy và phương thức bán hàng; công tác truyền thông, quảng cáo về các sàn TMĐT còn hạn chế, ít người dân biết về sàn TMĐT nên sản lượng đơn phát sinh còn thấp…
Nhiều giải pháp đã và đang được Sở TT&TT phối hợp triển khai các cùng các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp liên quan. Đáng chú ý là xây dựng và vận hành Cổng thông tin hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT tỉnh Hậu Giang tại địa chỉ https://tmdt.haugiang.gov.vn/.
Theo ông Lã Hoàng Trung, hiện toàn tỉnh có hơn 100.000 hộ SXNN, rất khó có thể đưa hết lên sàn trong thời gian ngắn. Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phấn đấu năm 2022 sẽ có 70% số hộ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng, sang năm 2023 tăng lên 90%; Số hộ có tài khoản bán hàng, gian hàng trên sàn là 50% và 70% và có tài khoản thanh toán điện tử là 50% và 70%…
Để tăng hiệu quả đưa hộ SXNN “lên sàn”, ông Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Bưu chính, đại diện Tổ Công tác 1034 – Bộ TT&TT khuyến nghị, tỉnh Hậu Giang quan tâm triển khai mô hình TMĐT nông thôn và logistics 2 chiều; tham khảo mô hình đưa nông sản “Hạt giống đến ruộng đến hộ gia đình”.
Đặc biệt, cần tạo xa lộ kết nối nông sản Hậu Giang ra thị trường trong nước và quốc tế, với sứ mệnh thúc đẩy phát triển nông sản bền vững; xây dựng 50 thương hiệu đặc sản Hậu Giang trên sàn TMĐT; chọn 10 xã nông thôn mới nâng cao để kết nối với thành phố Vị Thanh tạo mô hình đô thị thông minh mở rộng…
Hội thảo “Hỗ trợ đưa hộ SXNN lên sàn TMĐT” gồm 2 nội dung chính: Xu hướng TMĐT trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng đi mới cho nông sản thời 4.0. Chiều cùng ngày, các chuyên gia Tổ 1034 và Sở TT&TT tổ chức tập huấn cho các thành viên Tổ công tác hỗ trợ hộ SXNN lên sàn TMĐT và đội ngũ giảng viên nguồn của tỉnh Hậu Giang về các kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản khi tham gia kinh doanh trên 2 sàn TMĐT Postmart và Vỏ Sò. |
Bình Minh