Xuất phát từ những kết quả, thành tựu trong hơn 10 năm xây dựng NTM, để góp phần nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP).
Trọng tâm của Chương trình OCOP là hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ và vừa ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, lợi thế so sánh, phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị truyền thống để thúc đẩy tổ chức sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, hình thành các diễn đàn kết nối cung - cầu, nâng cao các giá trị văn hóa của các miền quê Việt Nam. Ngoài ra, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Đề án/Kế hoạch Chương trình OCOP của tỉnh. Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, có sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương trên cả nước.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đến ngày 31/12/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước đã có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Có hơn 4.586 chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 38,1% là HTX, 25,6% là doanh nghiệp, 33,5% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; Chương trình thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế.
Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2018- 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị; nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm OCOP theo hướng: Phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương.
Mục tiêu đến năm 2025, Chương trình OCOP phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Đặc biệt, chương trình sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ các HTX, DN trong đó phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh; Phát triển mạnh các sản phẩm đặc trưng, làng nghề, gắn với vai trò phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa các hình thức bán hàng, hình thành các kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.