Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh hơn 60.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó 13% rác thải được đốt, 16% được chế biến, khoảng 71% được chôn lấp.

Hiện tại, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được thực hiện thí điểm ở một số khu vực thuộc đô thị lớn, còn lại phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn và vận chuyển tới bãi chôn lấp. Do không được phân loại, rác vô cơ - hữu cơ, rác thải, rác tái chế trộn lẫn nên có đến hơn 70% lượng rác buộc phải thực hiện theo hình thức chôn lấp. Các điểm xử lý rác theo kiểu thủ công này luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, gây bức xúc đối với người dân sinh sống quanh khu vực có rác thải chôn lấp.

anh 5ss.jpg
Chất thải nếu không được phân loại gây khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế.

Theo các chuyên gia, việc tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng, có rất nhiều các dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các tỉnh, thành phố triển khai kết quả thu lại không được như mong muốn.

Đơn cử như việc chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom vận chuyển rác nên tại nhiều địa phương, công tác thu gom, phân loại rác thải tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có những địa phương đã thực hiện phân loại rồi nhưng quá trình thu gom lại không đồng bộ, dẫn đến việc rác thải để cho các nhà máy xử lý không đủ dẫn đến hoạt động của một số nhà máy cũng đang cầm chừng.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác, thậm chí chưa hiểu phân loại rác để làm gì hay cách thức phân loại như thế nào. Dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn có thói quen không phân loại mà bỏ tất cả các loại rác, từ rau củ quả, túi ni lông, vỏ thủy tinh, vỏ nhựa lẫn lộn vào một túi rồi vứt ra thùng rác công cộng, chờ nhân viên vệ sinh môi trường đến thu gom, phân loại. 

Chị Nguyễn Thanh Hoa, cư dân ở khu Ngoại giao đoàn, Hà Nội cho biết, khu chung cư của chị dù có thùng rác đã được phân loại sẵn thì người dân đi đổ rác vẫn có thói quen vứt chung các loại rác vào một thùng.

Hiện tại, hình thức thu gom rác gia đình phổ biến nhất vẫn là bằng xe đẩy tại từng khu vực dân cư. Rác thải được gom chung vào xe đẩy trước khi đưa ra bãi tập kết. Nhiều người dân cho rằng việc phân loại rác sinh hoạt tại gia đình là vô ích, bởi sau đó rác sẽ được thu gom về cùng một nơi. Do đó, có thể thấy việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, phân loại rác giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần phải chuẩn hóa lực lượng và phương tiện thu gom rác. Đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, đồng bộ về con người, năng lực quản lý, xử lý. Đồng thời phải tổ chức tuyên truyền cho tất cả người dân hưởng ứng phong trào phân loại rác theo quy định. Chính phường, xã phải giám sát tốt việc phân loại rác từ người dân tới lực lượng thu gom, có chế tài nếu còn hiện tượng trộn lẫn rác thải trong quá trình thu gom dù người dân đã phân loại.

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 quy định, việc phân loại rác thải tại nguồn là bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền và yêu cầu khắc phục. Mặt khác, những hộ thải bỏ lượng rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao, ưu tiên miễn phí cho lượng rác thải đã được phân loại.

Từ 1/1/2025, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Như vậy đến thời điểm này, các địa phương trên cả nước sẽ còn rất nhiều việc phải làm từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.

Bình Minh và nhóm PV, BTV