Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trong đó, khu vực đô thị 3 chiếm 60%; chỉ riêng 02 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn chất thải sinh hoạt.
Ở nhiều địa phương khác trên cả nước, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày cũng là một con số có sức nặng nhưng đáng chú ý hơn cả là tỷ lệ thu gom và tỷ lệ xử lý loại chất thải này vẫn chưa đạt trăm phần trăm. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng từ 10 - 16%/năm. Trên 70% lượng chất thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp.
Phương thức chôn lấp tốn nhiều diện tích đất, khó kiểm soát ô nhiễm. Thực tế cho thấy ô nhiễm thứ cấp rất tệ hại, rất nguy hiểm đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Nhiều bãi chôn lấp chúng ta phải xử lý hậu quả còn tốn kém hơn rất nhiều nếu chúng ta xử lý triệt để ngay từ đầu. Do vậy, tưởng tiết kiệm được chi phí xử lý nhưng thực chất cũng không tiết kiệm được, có khi còn tốn kém hơn. Mặt khác các bãi chôn lấp chất thải rắn cũng có nguy rất cao dễ xảy ra sự cố chất thải rắn.
Trước những thách thức này, thiết nghĩ các giải pháp như: phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp, … nên được tăng cường áp dụng.
Tại một hội thảo về quản lý chất thải rắn được tổ chức mới đây, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Quản lý tổng hợp chất thải đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt đã và đang phát triển mạnh mẽ, trong đó các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (reduce, reuse, recycle - 3R) được coi là những biện pháp hữu hiệu để hướng tới việc giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, đồng thời giảm được các nguy cơ về môi trường.
Phân loại rác là một quy định quan trọng trong việc quản lý chất thải tại nguồn. Việc phân loại rác giúp chúng ta tái chế và xử lý chất thải một cách hiệu quả, bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên. Cộng đồng có vai trò rất lớn trong việc phân loại phân loại, thu gom, tập kết...
Phân loại rác tại nguồn được coi là giải pháp căn cơ, không thể không thực hiện, nhưng sau một thời gian dài triển khai và cho đến bây giờ, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hiệu quả vẫn còn thấp. Ý thức về tái chế và tái sử dụng chất thải, phân loại của cộng đồng còn chưa cao, hệ thống tái chế, tái sử dụng chưa được phát triển tập trung, hiện đại.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định: Từ 1/1/2022, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt sẽ phải phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt hoạt khác. Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt
Việc không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.... Luật đã có nhưng triển khai thực thi luật lại là một việc cần phải bàn hiện nay.