Thuở hồng hoang, Chúa tạo ra đàn ông, đàn bà và Tòa Hiến pháp liên bang ở Karlsruhe thứ tư tuần trước mới tạo ra thêm giới thứ ba bằng phán quyết của mình. Đây là một bản án làm rung chuyển nước Đức, theo đó đến cuối năm 2018 phải có quy định pháp lý công nhận giới thứ ba, tên gọi có thể là liên giới hoặc khác.
Toàn nước Đức có hơn 100.000 người ngay từ lúc sinh ra đã mang trong mình các đặc trưng giới cả nam và nữ. Khởi nguồn vụ án là câu chuyện của một cá nhân với tên ẩn là Vanja. Lúc sinh ra, Vanja được xác định là nữ, mặc đồ nữ.
Sau này, càng ngày Vanja càng thấy mình không phải là nữ, cũng không phải là nam. Sự phiền toái càng lớn hơn khi Vanja có việc với cơ quan hành chính như điền đơn từ. Đơn từ là có mục giới tính, rồi chơi thể thao cũng phân biệt theo nam và nữ.
Đặc biệt là đi vệ sinh công cộng. Vào bên nữ thì chị em nhìn ngó Vanja như thể vào nhầm rồi, vào bên nam cũng tương tự. Mãi khi Vanja để râu thì vào nhà vệ sinh nam mới ổn hơn. Vanja một mình chống lại tình trạng này, hy vọng pháp luật phải công nhận ngoài nam và nữ còn có một giới khác. Từ tòa sơ thẩm đến tòa tối cao, Vanja đều thua và chỉ khi vụ việc chuyển đến Tòa Hiến pháp LB thì Vanja mới thắng.
Phán quyết của Tòa Hiến pháp LB sẽ làm thay đổi nhiều thứ. Đơn giản nhất là chuyện thưa gửi. Người ta thường mở đầu bài nói bằng thưa quý bà, thưa quý ông. Giờ đây sao nhỉ: Thưa quý bà, quý ông và quý vị liên giới hay ngắn gọn chỉ còn thưa quý vị!
Rồi là thay đổi giấy khai sinh, hộ chiếu, nhà vệ sinh, phòng thay đồ…
Còn trong thể thao thì có cần thay đổi gì không? Thực ra đã có tiền lệ.
Vào những năm 1930, Dora Ratjen là nữ vận động viên nhảy cao của Đức. Khi trở thành vô đich châu Âu, cô đi tàu hỏa về quê. Cô ngồi chung toa tàu với nhiều binh lính và một người lính báo cho nhân viên tàu rằng ở đây có một người đàn ông mặc quần áo phụ nữ.
Dora Ratjen phải xuống tàu và trước mặt nhân viên đường sắt phải cởi đồ, khỏa thân và bị chụp ảnh. Với những bức ảnh này, cô bị loại khỏi tất cả các cuộc thi đấu thể thao. Sau này, cô phẫu thuật chuyển thành nam và tiếp tục phần đời còn lại.
Trường hợp khác là Stella Walsh, người Ba Lan, vô địch thế vận hội môn chạy nữ năm 1932. Sau này, cô kết hôn với vận động viên đấm bốc người Mỹ Harry Olson. Hôn nhân chỉ kéo dài 2 tháng. Năm 1980, Stella Walsh bị cướp và chết, khám nghiệm tử thi cho thấy không có buồng trứng, có tinh hoàn ẩn.
Và hiện tại là trường hợp nữ vận động viên xuất sắc môn chạy Caster Semenya của Nam Phi. Có người nói Caster Semenya không phải là nữ, mà là nam. Mà nam chạy cùng nữ thì rõ ràng là lợi thế. Qua kiểm tra y tế cho thấy Caster Semenya không có buồng trứng, có tinh hoàn ẩn và có lượng testosteron rất cao.
Bản thân Caster Semenya vẫn cho mình là nữ, thậm chí còn nói lúc đi tiểu tôi đi như nữ giới mà. Hiện người ta đang thảo luận có cần giảm lượng testosteron của Caster Semenya bằng cách uống thuốc không.
Qua đó hy vọng tạo ra sự công bằng phần nào khi Caster Semenya thi chạy với các nữ vận động viên khác?
Hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính
Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi vừa được QH thông qua có quy định việc chuyển đổi giới tính.
Trong gái, ngoài trai mới được đổi phận?
"Chỉ được chuyển giới khi khiếm khuyết một bộ phận nào đó. Chẳng hạn những trường hợp bên trong nữ, bên ngoài nam nhưng bản chất là nữ thì cho chuyển thành nữ và ngược lại” - ông Phùng Quốc Hiển góp ý luật chuyển đổi giới tính.
Chuyển đổi giới tính: Vì sao chưa thể thực thi ngay
Từ 1/1/2017, VN chính thức trở thành quốc gia thứ 62 trên thế giới công nhận chuyển đổi giới tính...
Đinh Duy Hòa (Theo Bild online)