Lầu Năm Góc hôm qua phát biểu rằng việc các máy bay ném bom B-52 tham gia vào các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn lúc này chính là nhằm thể hiện tiềm lực của liên minh hai nước trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Xem Triều Tiên phô diễn sức mạnh quân sự
Toàn cảnh quân đội Triều Tiên
Mỹ triển khai thêm tên lửa đánh chặn đề phòng Triều Tiên
Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn
Pháo đài bay B-52 khét tiếng của Mỹ cùng các loại bom mà nó có thể mang theo để thả |
Thời điểm này, Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành tập trận chung mang tên Đại Bàng non từ ngày 1/3 đến hết tháng Tư. Bên cạnh đó, hai nước cũng đang bắt đầu một cuộc tập trận khác mang tên Giải pháp then chốt.
Trong chuyến thăm tới Seoul, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rằng các máy bay ném bom chiến thuật B-52 sẽ tham gia tập trận. Điều bất thường ở đây là việc một quan chức cấp cao của Mỹ lại tuyên bố công khai về loại vũ khí đặc thù tham gia một cuộc tập trận quân sự thường niên.
Hôm 8/3, một máy bay B-52 từ căn cứ không quân Andersen ở Guam đã bay tập huấn tới Hàn Quốc.
"Chuyến bay đã cho thấy một trong rất nhiều tiềm lực sẵn có của liên minh dành cho quốc phòng của Cộng hòa Hàn Quốc" - ông Little nói.
B-52 là máy bay ném bom chiến lược hạng nặng tầm xa được Không quân Mỹ sử dụng từ những năm 1950. B-52 có thể mang theo quân nhu thông thường hoặc hạt nhân được dẫn đường chính xác.
Trong khi đó, Triều Tiên hôm qua cũng đáp trả rằng 'đe dọa hạt nhân' của Mỹ có thể khiến nhiều quốc gia đi theo con đường của họ và xây dựng vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Triều Tiên công bố vị thế 'rất đang tự hào và mạnh mẽ' của họ khi trở thành quốc gia hạt nhân mới nhất trong ngày đầu tiên đàm phán về hiệp ước vũ khí thông thường tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi có thể thấy trước rằng chính sách tấn công hạt nhân phủ đầu mà cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới duy trì về lâu về dài sẽ sinh ra thêm nhiều quốc gia hạt nhân mới" - Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ri Tong-Il nói.
Ông Ri nói rằng Mỹ đã áp dụng chính sách 'đe dọa hạt nhân' bằng cách liệt kê ra một số quốc gia sẽ bị tấn công phủ đầu và điều này đã đẩy Triều Tiên vào thế phải phát triển vũ khí của riêng họ.
Trước đó, Mỹ tuyên bố lắp đặt thêm các hệ thống đánh chặn tên lửa với lý do lo ngại Triều Tiên có tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tấn công vào đất liền của Mỹ.
- Lê Thu (theo CNA/Yonhap)