Theo tờ New York Times, phát hiện này là kết quả từ các nỗ lực của một đội nhóm đến từ Tổ chức Nghiên cứu Sao Paulo, bao gồm các nhà khoa học đến từ Học viện Smithsonian và Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ, cùng với một mạng lưới rộng rãi các nhà nghiên cứu. Nhóm này đã đặt mục tiêu vạch ra một sơ đồ cây sự sống cho các loài cá điện Nam Mỹ, như một phương pháp nhằm tìm hiểu lịch sử tiến hoá của khu vực này. Từ năm 2014 đến 2017, nhóm này đã du hành đến khu vực Amazon mở rộng – bao gồm Brazil, Guyane thuộc Pháp, Guyana và Suriname, nơi họ đã thu thập 107 mẫu vật lươn điện sống, thử điện thế của chúng, và trích xuất các mẫu cơ để phục vụ phân tích gien sau này.

“Mối quan tâm đến các loài cá này vượt qua vấn đề về đa dạng sinh học. Chúng có thể tạo cảm hứng cho các công nghệ mới. Chúng là một trong số ít các loài cá trên thế giới thực sự có phép thuật trong người”, tiến sĩ Carlos David de Santana, nhà ngư học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở thủ đô Washington D.C nói với báo New York Times.

{keywords}
Lươn điện Electrophorus voltaic, loài động vật có khả năng phóng dòng điện mạnh nhất thế giới.

Tiến sĩ De Santana là tác giả chính của nghiên cứu mới phát hành vào đầu tuần này, miêu tả quá trình phát hiện một loài lươn điện mới. Trong những năm nghiên cứu về lươn điện, ông đã nhiều lần bị giật với mức điện thế cao, bao gồm một lần lên tới 400 vôn.

Nghiên cứu này miêu tả ít nhất hai loài động vật mới riêng biệt. Đặc điểm phân biệt rõ ràng nhất giữa chúng là hình dạng hộp sọ. Đầu của loài E. electricus nhìn giống chữ “u”, trong khi loài E.voltai có hình oval như đầu một trái trứng.

Tuy nhiên, phát hiện gây kinh ngạc nhất đến khi các nhà khoa học đo dòng điện các loài lươn có thể phóng ra. Họ đã đo được một dòng điện 860 vôn từ loài E.voltai. Dòng điện lớn nhất trước đó được ghi nhận là 650 vôn, gấp hơn 5 lần điện thế của một ổ cắm điện tiêu chuẩn ở Mỹ. Tuy nhiên, cường độ ampe của dòng điện là quá thấp để có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho con người.

Theo các nhà khoa học, lươn điện sở hữu một hệ thần kinh chuyên biệt, có khả năng đồng bộ hoạt động của các tế bào sản sinh điện, được gọi là tế bào điện giải (electrocyte). Được biết, loài lươn sử dụng hệ thần kinh tinh vi này để nhận biết các loài cá khác, làm nhiễu loạn tín hiệu điện phát ra từ các loài cá điện xung quanh, và để làm tê liệt con mồi.

“Tập tính xã hội này khá ít gặp… Chúng tiến lại với nhau thành một đàn, vây quanh chỗ cá mồi, sau đó cùng nhau nhả điện để giết chết chỗ cá”, tiến sĩ Naercio Aquino Menezes, nghiên cứu sinh trưởng của bài nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ có thể quay lại được một vụ tấn công phối hợp của loài lươn điện, một thước phim mà họ tin là chưa từng được ghi nhận trước đây.

Anh Thư