Thời gian qua, nhờ thay đổi tư duy trong canh tác, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như phát huy được thế mạnh của địa phương, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số Lâm Đồng đổi thay mỗi ngày. Từ đó đã góp phần đưa tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của tỉnh đạt 5,63% và thu nhập bình quân đầu người trên 85 triệu đồng.

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân ở thôn Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đạt mức thu nhập cao hơn đáng kể. 

lam dong.jpg
Phát huy lợi thế cây trồng, vùng dân tộc thiểu số Lâm Đồng thoát nghèo. 

Hiện nay, bà con đã biết học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và có nhiều nguồn thu từ cây cà phê, hoa màu. Một số hộ dân đã xây nhà mới, mua thêm máy móc để phục vụ sản xuất. Bà con cũng đã hiến đất làm đường bê tông, đường nhựa, nhờ đó bộ mặt nông thôn mới ngày càng phát triển và hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong buôn chỉ còn 7 hộ nghèo, cận nghèo 6 hộ, so với năm 2022 thì giảm rõ rệt. 

Tương tự, từ chỗ thay đổi tư duy canh tác, mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, cộng với ý thức tự lực vươn lên, đồng bào dân tộc thiểu số K’ho ở Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã phát triển rất nhiều so với trước. Việc kịp thời chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm và nhiều loại cây ăn quả mà kinh tế của người dân ở đây đã có sự cải thiện rõ rệt. Ngoài trồng dâu nuôi tằm, người dân trong vùng còn trồng xen canh bơ, sầu riêng, chuối laba nên tháng nào cũng có thu nhập. 

Không chỉ tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số K’ho của tỉnh Lâm Đồng còn hình thành nhiều mô hình sản xuất và bao tiêu sản phẩm, giúp ổn định sản xuất theo hướng bền vững mà còn đảm bảo được nguồn thu nhập.

Đơn cử như bà con xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm đã phát huy có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương mình phát triển nhiều loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê, sầu riêng, măng cụt, mắc ca và một số loại cây ăn trái khác, với vùng sản xuất ổn định lên đến hơn 5.000 ha.

Trong số này, có nhiều mô hình sản xuất đạt doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, cá biệt có mô hình trồng sầu riêng đạt 2 tỷ đồng/năm. 

Đời sống kinh tế phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Lâm Đồng luôn được giữ vững. Bà con đã phát huy tốt khối đại đoàn kết dân tộc, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, buôn làng giàu đẹp, văn minh.

Khánh Vy