Hội nghị triển khai chương trình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới được tổ chức mới đây, đại diện Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho biết: Nhận thức rõ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động là giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, trong 5 năm qua, Hội Nông dân các cấp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội về tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho trên 11,9 triệu lượt hội viên nông dân.

25 moi truong nong thon ok.jpg
Công tác bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội và phong trào nông dân. 

Các cấp hội cũng đã tổ chức 549 lớp tập huấn cấp tỉnh và 24.000 lớp nâng cao năng lực, và kỹ năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nông thôn cho cán bộ, hội viên nông dân. Từ đó giúp cho Hội hình thành được mạng lưới với 4.200 tuyên truyền viên cấp xã có đủ kiến thức và năng lực để tuyên truyền vận động và triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường nông thôn đang sinh hoạt tại hàng trăm câu lạc bộ trên cả nước. Biên soạn, in 74.012 cuốn sách, 2.084.308 tờ gấp hướng dẫn về bảo vệ môi trường đến tận tay hội viên tham khảo, ứng dụng. Cùng với đó là tổ chức cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức, pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi trường” theo hình thức sân khấu hóa ở 3 cấp, xã, huyện, tỉnh tại 20 tỉnh, thành. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả, tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư nông thôn. 

Đại diện Trung ương Hội nông dân Việt Nam cũng cho biết, các cấp Hội phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành có liên quan của địa phương tổ chức phát động phong trào thi đua bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu như: Phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tổ chức các phong trào “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân trở thành người tiêu dùng xanh” và phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng các mô hình điểm: Mô hình “Hàng cây nông dân”, Tiếng kẻng môi trường”, "Sạch đồng - Tốt ruộng - Đẹp quê hương”...

Các cấp hộ cũng đã xây dựng 30.709 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các mô hình áp dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán, trình độ của người dân, đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương. Điển hình là các mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Thùng rác thân thiện với môi trường”, “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải nông thôn thành phân bón tại nguồn”, “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Nói không với túi nilon và rác thải nhựa”, “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học”, “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”...

Các cấp của Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp xây dựng các mô hình dịch vụ quản lý rác thải, chất thải trong sinh hoạt và trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhiều nơi đã thành lập tổ, đội, hợp tác xã, tổ hợp tác làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển và chôn lấp rác, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn và môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình “Xử lý nước thải làng nghề” nổi bật như các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình. Mô hình “Hầm khí sinh học liên hoàn”, mô hình “Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi” góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế ô nhiễm nguồn nước, cung cấp nhiên liệu phục vụ sinh hoạt như Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ...

Với những kết quả nội bật trên vai trò, vị thế của tổ chức Hội được nâng lên, góp phần đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu vào thực tiễn cuộc sống. 

Kim Chi và nhóm PV, BTV