Thực tế đã chứng minh vai trò quan trọng của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giúp con người trưởng thành về nhân cách, đạo đức, lối sống. Trong đó, người cao tuổi thực sự là "cây cao bóng cả", giữ kỷ cương, nếp sống, chỗ dựa tinh thần cho con cháu.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Nhận thức được vai trò to lớn của gia đình, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển gia đình ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và văn minh.
Trong văn kiện các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII hầu như đều nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Mới đây nhất, chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã khẳng định "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".
Gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Trong đó, người cao tuổi là “cây cao bóng cả”, người giữ kỷ cương, nếp sống trong gia đình nên có một vị trí hết sức đặc biệt.
Trong buổi gặp mặt các đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ VI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, văn hóa và đạo đức của người Việt Nam từ xưa đến nay là người già luôn luôn được đề cao, được tôn trọng “Kính già, yêu trẻ”, “Kính lão đắc thọ”...
Nhắc lại truyền thống vô cùng quý báu của người cao tuổi Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, người cao tuổi nước ta thực sự là “vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam”.
Theo Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), kết quả nghiên cứu cho thấy trong gia đình, người cao tuổi thể hiện vai trò trong hoạt động kinh tế; tham gia, quyết định công việc gia đình; giáo dục, truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, truyền thống văn hóa, đạo đức cho con cháu; chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cháu, gìn giữ nề nếp gia đình...
Người cao tuổi với vị trí, vai trò nêu trên là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, kinh nghiệm, công lao trong xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình. Những gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” là bằng chứng sống về mẫu mực gia đình Việt Nam.
Quá trình hội nhập theo xu hướng toàn cầu hóa đã đem lại cho gia đình Việt Nam cơ hội phát triển to lớn và tích cực, mức sống của đại bộ phận gia đình được nâng cao, các chức năng cơ bản của gia đình có nhiều biến đổi theo chiều hướng tiến bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức.
Những giá trị truyền thống của gia đình có dấu hiệu xuống cấp; cùng với đó là tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội…, tính bền vững của gia đình truyền thống suy giảm.
Trước thực trạng này, việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình càng có ý nghĩa, đòi hỏi vai trò quan trọng của người cao tuổi. Bởi người cao tuổi với sự trải nghiệm dày dặn về cuộc đời đã trở thành trụ cột tinh thần vững chãi của gia đình trước bất cứ hoàn cảnh nào.
Đó là việc nêu gương sáng về đạo đức, lối sống để giáo dục con cháu giá trị gia đình truyền thống từ những sinh hoạt và việc làm nhỏ nhất hằng ngày. Người cao tuổi còn có khả năng và kinh nghiệm trong việc điều hòa mối quan hệ giữa các thành viên để tạo nên không khí gia đình "trong ấm, ngoài êm"…
Trên khắp đất nước Việt Nam, hàng triệu người cao tuổi đã và đang thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện tốt các quy định của địa phương; tham gia vận động thành viên trong gia đình và cộng đồng xây dựng, thực hiện quy ước khu dân cư; quan tâm thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong giáo dục đạo đức, lối sống, học tập của con cháu...
Trong thời kỳ hội nhập, người cao tuổi trong gia đình sẽ là người chọn lọc, truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời sẽ định hướng cho các thế hệ con cháu biết lựa chọn những nét văn hóa tiến bộ của nhân loại để phát triển văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Nhờ đó mới hình thành nên một nếp sống lành mạnh, xã hội văn minh vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.