Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới” các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và khu vực trung du, miền núi phía Bắc do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức vào sáng 18/8, tại TP Bắc Giang (Bắc Giang).
Thời gian qua, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng.
Nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những kiến nghị sau giám sát ở một số địa phương có chất lượng tốt được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì, phối hợp giám sát hơn 500 nghìn cuộc. Riêng lĩnh vực giám sát xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức giám sát hơn 98 nghìn cuộc (cấp tỉnh hơn 2,3 nghìn cuộc; cấp huyện hơn 12 nghìn cuộc; cấp xã hơn 83 nghìn cuộc).
Giai đoạn 2021 - 2023, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức lấy trên 2,6 triệu lượt ý kiến của người dân về công nhận cấp huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thông qua đó đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: Công tác tổ chức triển khai, việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện giám sát ở một số nơi còn lúng túng. Tính chủ động, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa cao.
Một số địa phương chưa quan tâm vận dụng tốt các hình thức giám sát cho phù hợp với từng nội dung, mới chú trọng hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát. Vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, dẫn đến kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao.
Trước những yêu cầu mới đặt ra trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới". Đây là dịp để cán bộ mặt trận các cấp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, trình bày quan điểm về những kết quả làm được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để cùng tìm ra cách làm tốt, kinh nghiệm hay và giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung tham luận nêu bật những kết quả, thuận lợi, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong đó nhấn mạnh những kinh nghiệm, giải pháp trong công tác giám sát như: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực, bản lĩnh, tính chủ động trong thực hiện giám sát xã hội; Lựa chọn nội dung giám sát phù hợp gắn với phát huy vai trò, trí tuệ của tổ tư vấn, các tổ chức thành viên; Tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát.
Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động lựa chọn những vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm và nội dung gây bức xúc trong nhân dân để tổ chức giám sát. Các ý kiến, kiến nghị sau giám sát cần được quan tâm thực hiện, từ đó tạo niềm tin của nhân dân. Xây dựng và thực hiện tốt chương trình phối hợp giám sát giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp với Hội đồng Nhân dân, UBND, các ngành chức năng và tổ chức thành viên cùng cấp.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, ban thanh tra nhân dân, ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ giám sát cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp. Phản ánh kịp thời những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đề xuất với các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới...
Tham luận tại toạ đàm, ông Lê Ô Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin đến các đại biểu về tình hình kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua. Trong đó nhấn mạnh những kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện, tỉnh Bắc Giang có 6/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 148/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 43/182 xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 286 thôn kiểu mẫu.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bắc Giang phấn đấu có 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 huyện nông thôn mới nâng cao, 160 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 78 xã nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.
Những kết quả trên có vai trò đặc biệt quan trọng, sự phối hợp, tham gia tích cực, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động các cấp hội, hội viên và người dân.
Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã trực tiếp thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện, tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kịp thời, hiệu quả, đúng quy định. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không có địa phương vi phạm trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ kết quả của Bắc Giang cũng như kinh nghiệm của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi phía Bắc, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, buổi tọa đàm sẽ giúp các địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động giám sát nói riêng và phong trào xây dựng nông thôn mới nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà Đảng, Chính phủ đề ra.
Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thêm cơ sở thực tiễn để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung, cơ chế trong chỉ đạo và hướng dẫn công tác giám sát trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới.
Những ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và phổ biến rộng rãi nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương.