Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Một trong những mục tiêu hướng tới là phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức hoạt động khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững.
Theo đó, sẽ tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng lộng và ven bờ của tỉnh, điều tra nghề cá thương phẩm làm cơ sở khoa học điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản của tỉnh phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản, sản lượng cho phép khai thác trên từng ngư trường..
Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh theo quy hoạch và hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản của tỉnh.
Nghiên cứu chuyển đổi các nghề khai thác hải sản xâm hại, ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng nhiều nhiên liệu sang các nghề ít xâm hại nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng ít nhiên liệu, ít nguồn lực hơn, hoặc chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác (nghề dịch vụ khai thác thủy sản, nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ nuôi trồng thủy sản), để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể là, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản như chợ cá, siêu thị, cơ sở chế biến… tìm hiểu quy định về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, chỉ tiêu thụ các sản phẩm của tàu cá không vi phạm quy định về khai thác thủy sản.
Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các vùng miền ven biển, tạo sinh kế thay thế cho các nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường, từng bước tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống của cộng đồng ngư dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động khai thác thủy sản.
Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững. Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam phục vụ công tác quản lý.
Tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả các bản tin dự báo ngư trường cung cấp cho ngư dân khai thác trên biển, phục vụ khai thác hải sản hiệu quả.
Đẩy mạnh, đổi mới công tác khuyến ngư theo hướng xã hội hóa, tăng cường sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ để đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới đối với ngư cụ, kỹ thuật khai thác, hầm bảo quản, trang thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu cá.
Ngoài ra, công tác truyền thông cũng sẽ được triển khai tích cực để tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến kinh nghiệm tốt, các điển hình làm ăn giỏi…, qua đó tạo chuyển biến trong suy nghĩ và hành động của ngư dân.