Bệnh dịch, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu cùng với các hiện tượng thiên tai cực đoan xảy ra gần đây, đặt ra những vấn đề cấp bách đối với quản lý tài nguyên và xã hội để thu hút đầu tư nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là thời điểm thích hợp để Chính phủ thực thi chương trình hành động nhằm đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển bền vững.

{keywords}
Ảnh minh họa

Nội hàm về phát triển bền vững được khẳng định ở Hội nghị Rio năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Johannesburg năm 2002, không chỉ bao gồm trụ cột kinh tế và xã hội mà còn phải bao hàm trụ cột thứ ba, đó là môi trường. Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 trụ cột của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (bao hàm cả chất lượng tăng trưởng), phát triển xã hội (phát triển cả thể chất và tinh thần của con người thông qua cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục để bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là ứng phó biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học thông qua xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng, chống cháy rừng, chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Chính vì vậy, phát triển bền vững phải gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, dựa trên các thành tựu phát triển tiên tiến nhất của nhân loại về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để hình thành các trung tâm đô thị thông minh sầm uất trong tương lai.

Có nhiều cách thức, quan điểm, mô hình và công cụ để mỗi quốc gia đạt được phát triển bền vững và xây dựng nền kinh tế xanh. Kinh tế xanh là một trong những công cụ quan trọng được thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản của Hội nghị Rio, Chương trình Nghị sự 21 và đóng góp để đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Theo định nghĩa của EU, tăng trưởng xanh là xây dựng một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tận dụng vị thế tiên phong của châu Âu trong công cuộc phát triển những quy trình, công nghệ mới, bao gồm công nghệ xanh, áp dụng sâu rộng lưới điện thông minh sử dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng lưới toàn EU và củng cố tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kinh doanh cũng như hỗ trợ khách hàng đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên.

Chiến lược EU 2020 định hình một mô hình kinh tế thị trường xã hội hiện đại của châu Âu với ba ưu tiên có quan hệ bổ sung cho nhau: (i) Tăng trưởng thông minh: phát triển kinh tế dựa vào tri thức và nghiên cứu đột phá cải tiến công nghệ; (ii) Tăng trưởng bền vững: thúc đẩy một nền kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên, xanh hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn; (iii) Tăng trưởng bình đẳng: khuyến khích nền kinh tế với nhiều công ăn việc làm, tạo ra sự gắn bó trong xã hội và bình đẳng giữa các vùng, miền.

Lan Anh