Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo dân số đô thị tăng nhanh đã tạo diện mạo mới cho vùng ĐBSCL. Song, vùng cũng đang đối mặt mới các thách thức mới, đặc biệt là tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy cần có định hướng phát triển đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL trong thời kỳ mới, hướng tới mục tiêu phát triển vùng bền vững, an toàn, thịnh vượng.
Phát triển các đô thị trung tâm - ĐBSCL tìm cách chung sống với biến đổi khí hậu |
Nguồn lực dành cho phát triển kết cấu hạ tầng và nhà ở của vùng ĐBSCL còn hạn chế
Quán triệt chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của Bộ triển khai thực hiện Nghị quyết 120 với 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Đồng thời, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, hệ thống đô thị trong vùng sẽ từng bước được xây dựng theo cấu trúc mạng lưới phù hợp với điều kiện địa lý, sinh thái tự nhiên, thích ứng với BĐKH. Các đô thị trung tâm vùng được tổ chức phân bố để trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Hiện tại vùng ĐBSCL có 174 đô thị gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương; 2 đô thị loại I thuộc tỉnh; 12 đô thị loại II; 9 đô thị loại III; 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá: Khu vực đô thị có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại và có bản sắc. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đẩy mạnh. Các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế khác về nâng cấp đô thị, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả và phát huy những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương trong vùng.
Tuy nhiên, công tác triển khai quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL vẫn còn chậm và gặp nhiều thách thức, thể hiện qua: tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của vùng vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc; hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều chuyển biến, tỷ lệ xử lý thấp và hầu hết vẫn đang sử dụng các công nghệ lạc hậu…
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do nguồn lực dành cho phát triển kết cấu hạ tầng và nhà ở của vùng ĐBSCL còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách, trong khi việc phân bổ, thực hiện đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc thực hiện xã hội hóa đầu tư và thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cũng đang đối mặt với các thách thức mới, đặc biệt là tình hình BĐKH, thiên tai đang diễn ra ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng ngày một lớn, tác động tiêu cực đến kết cấu hạ tầng kỹ thuật, làm mất an toàn, xáo trộn cuộc sống người dân. Trong khi đó, công tác dự báo, đánh giá chính xác tác động của BĐKH, nước biển dâng theo các kịch bản và thiên tai còn hạn chế…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, định hướng phát triển đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL trong thời kỳ mới cần gắn kết chặt chẽ với sự hình thành các tiểu vùng sinh thái ngập lũ, ven biển, nước ngọt… làm cơ sở để định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng phù hợp. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên kết với vùng TP Hồ Chí Minh...
Phát triển các đô thị trung tâm
Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng ĐBSCL”. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đề cập đến các giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế và giải quyết các thách thức của việc quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Vùng ĐBSCL nên phát triển theo tuyến hành lang phát triển trọng điểm của vùng và tập trung theo cực tăng trưởng trọng điểm dọc các tuyến hành lang tăng trưởng. Phát triển các đô thị trung tâm vùng, trung tâm các tiểu vùng, trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao 6 tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, trung tâm các vùng tỉnh. Bên cạnh đó, hạn chế tối đa việc mở rộng và phát triển đô thị về phía vùng ngập mặn. Phát triển thích nghi ở các khu vực dễ bị ngập lụt và bị nhiễm mặn. Tăng cường mạng lưới đường bộ cao tốc và mạng lưới đường sắt vùng nhằm khuyến khích tăng trưởng theo cụm đô thị…
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị thuộc Bộ Xây dựng gợi ý, vùng ĐBSCL cần thống nhất quan điểm từ “sống chung với lũ” đến “sống chung với BĐKH”. Do vậy cần đổi mới phương pháp tiếp cận. Quy hoạch Vùng ĐBSCL không nên là quy hoạch của các kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư mà đó phải là quy hoạch hợp nhất đa ngành, có tính kế thừa và đặt trọng tâm quản lý và bảo về nguồn nước; bảo tồn hệ sinh thái, văn hóa, đặc thù sông nước đặc thù định cư và dân cư… ĐBSCL lấy phát triển đô thị và nông thôn là động lực phát triển kinh tế của vùng; tăng cường phát triển du lịch, giao thông và vận tải thủy…
Ở khía cạnh hạ tầng kỹ thuật, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, nhấn mạnh: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển đô thị, để thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung nói chung đối với vùng ĐBSCL nói riêng cần sự chung tay của toàn hệ thống chính trị từ cấp trung ương đến cấp chính quyền địa phương. Ngoài ra, trong các tỉnh, thành và giữa các tỉnh thành, cần xây dựng được những cơ chế có tính hệ thống để điều phối trong lập kế hoạch phát triển đầu tư hạ tầng kỹ thuật và những lĩnh vực khác mang lại lợi ích thiết thực, hữu hình cho người dân của vùng ĐBSCL...
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho rằng: Hệ thống đô thị, nông thôn được hình thành theo sự phát triển của đời sống dân cư, thể hiện những điều kiện, nhu cầu của đất nước và con người gắn với yếu tố lịch sử cụ thể. Do đó, việc định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL không phải là định hướng mới mà là kế thừa và chắt lọc lịch sử. Từ đó, lựa chọn định hướng tối ưu nhất gắn với bối cảnh mới mà thế hệ chúng ta đang sống.
Thu Thủy