Sáng 12/9, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo kết nối công nghiệp hỗ trợ tại TP Đà Nẵng năm 2023. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại TP Đà Nẵng năm 2023.
Đưa công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế
Trình bày tham luận tại hội thảo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương Phạm Tuấn Anh cho rằng, trong những năm gần đây, công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các mặt được thể hiện như, công nghiệp trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước cũng như ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – đặc biệt là tỷ trọng các ngành có trình độ công nghệ cao và trung bình, giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng.
Hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn. Góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống của nhân dân.
“Một số điểm nghẽn then chốt của công nghiệp – đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn chưa được khắc phục như, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu. Công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối nghiêm trọng, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài. Phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế…”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Từ đó, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để làm nền tảng, cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Bố trí nguồn lực phù hợp, phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp...
“Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi cung ứng của các Tập đoàn toàn cầu, xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ để công nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thúc đẩy khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp.
Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản để huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo…
Phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Đại diện tỉnh Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam chia sẻ, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 02 khu kinh tế (KKT), 14 khu công nghiệp (KCN) và 92 cụm công nghiệp (CCN); được quy hoạch và phân bố trên 18/18 đơn vị hành chính với tổng diện tích trên 83.000 ha. Về hạ tầng cung cấp điện đã phát triển nhanh, có 28 nhà máy thủy điện và 01 nhà máy nhiệt điện đang vận hành với tổng công suất 1.360,86 MW.
Tỉnh Quảng Nam cũng rút ra một số kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.
Phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như giày dép, may mặc, sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và linh kiện ô-tô đã làm tăng vượt bậc giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2020 đạt 7,64 tỉ USD. Hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ khu vực và thế giới đã có dự án đầu tư ở Quảng Nam. Do vậy, thời gian đến kim ngạch xuất khẩu tỉnh Quảng Nam tiếp tục gia tăng.
Đối với Quảng Nam và Khu kinh tế Chu Lai, Chính phủ đã cho phép thực hiện rất nhiều các ưu đãi liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh như: Thuế thu nhập doanh nghiệp “4 miễn – 9 giảm”, thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT,…; Tiếp cận các điều kiện hạ tầng rất dễ dàng như đất đai, điện, nước.
“Phát triển và tạo lập các cụm liên kết ngành công nghiệp - chẳng hạn như việc nghiên cứu xây dựng, tạo lập nên Cụm liên kết ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở lấy Thaco Industries làm nòng cốt và là đầu tàu thúc đẩy là một nhu cầu từ thực tiễn và dựa trên những điều kiện hiện có của tỉnh Quảng Nam”, đại diện Sở Công Thương Quảng Nam nhận định,
Phát biểu bế mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường chia sẻ, đây là hoạt động quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Sự tích cực ủng hộ và tham gia của doanh nghiệp tại hội thảo đã phần nào phản ánh sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của doanh nghiệp việc không ngừng tìm kiếm, phát triển các mối quan hệ liên kết, hợp tác trong cung ứng và tiêu thụ sản phẩm của nhau.
“Chúng tôi mong muốn rằng thông qua hội thảo, đặc biệt với thời gian hội chợ triển lãm diễn ra trong 3 ngày, các doanh nghiệp sẽ gặp gỡ trao đổi, tiếp tục tìm hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn lẫn nhau để tiến đến những hoạt động hợp tác, kết nối cụ thể, hiệu quả cho các bên tham gia”, ông Cường kỳ vọng.
Công Sáng