Việt Nam có 3.200km bờ biển, có các vùng biển và thềm lục địa khoảng 1.000.000km2 với gần 3.000 đảo nằm rải rác từ Bắc đến Nam trên Biển Đông, bao gồm các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Biển, đảo Việt Nam có vai trò quan trọng về kinh tế, quân sự, chính trị, giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế...
Ngày 22/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngành công nghiệp chế biến hải sản |
Những tác nhân làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường biển
Ngoài tầm quan trọng về vận tải trên biển, giàu nguồn trữ lượng dầu khí cùng các nguồn tài nguyên khoáng sản khác, Biển Đông còn là khu vực rất phong phú về đa dạng sinh học biển nông trên thế giới. Một lượng dân cư lớn các quốc gia ở Biển Đông như Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Campuchia và Việt Nam sống phụ thuộc vào hoạt động đánh bắt ở Biển Đông.
Tuy nhiên, hiện tại, nguồn thủy sản ở Biển Đông đang bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động đánh bắt quá mức và bất hợp pháp, sự phá hủy sinh cảnh và các hệ sinh thái, sinh vật ngoại lai, hoạt động cải tạo đảo….
Môi trường Biển Đông còn bị xuống cấp nghiêm trọng do phải hứng chịu nguồn chất thải từ đất liền cũng như nguồn chất thải ô nhiễm từ biển, do hoạt động sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên bất hợp lý và không có quy hoạch. Ngoài ra, tranh chấp lãnh thổ cũng là tác nhân làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường do sự bất hợp tác giữa các quốc gia tranh chấp.
Do các vùng biển đều có tính liên kết với nhau, vì vậy ô nhiễm biển có thể nhanh chóng lan truyền và gây ảnh hưởng trên phạm vi lớn.
Biển Đông: Phát triển phải gắn với quản trị
Do đó, theo PGS. TS Vũ Thanh Ca, cần thiết phải áp dụng hoạt động quản trị, thực thi và phát triển đại dương gắn liền với chính sách quản trị đại dương ở Biển Đông. Chính sách quản trị đại dương sẽ tạo ra một khuôn khổ chung cho việc quản lý và được thiết lập thông qua việc sử dụng các công ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về hoạt động trên biển và về việc sử dụng và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì và bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Có nhiều công ước quốc tế có thể được sử dụng để phát triển chính sách quản trị đại dương ở Biển Đông đảm bảo cho sự phát triển bền vững, chẳng hạn như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Công ước về Đa dạng Sinh thái (CDB), Công ước Khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), Công ước Marpol 73/78…
Hiện có một số cơ chế như Cơ quan Điều phối về biển Đông Á (COBSEA), Đối tác về Quản lý Môi trưởng Biển Đông Á (PEMSEA), các cơ chế này đều hoạt động hiệu quả trong việc điều phối và hợp tác giữa các quốc gia khác nhau tại khu vực Biển Đông Á.
Tuy nhiên, các cơ chế này lại chỉ giải quyết các vấn đề gần bờ và tránh dính dáng đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ và vấn đề môi trường, đa dạng sinh học và nguồn thủy sản ở Biển Đông.
Do đó, để duy trì và bảo tồn môi trường và nguồn lợi thủy sản, cần thiết phải thiết lập một cơ chế quản trị quốc tế, một cơ chế có thể quản lý các vấn đề liên quan đến môi trường biển, đa dạng sinh học và nguồn đánh bắt trên toàn bộ khu vực Biển Đông, đặc biệt là ở vùng biển quốc tế và tại các hòn đảo có tranh chấp.
Bên cạnh đó, các quốc gia ở Biển Đông cũng cần thiết phải sử dụng đến luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để xác định chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển.
Hoài Thanh