Ngày 20/7, Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về công tác đầu tư các dự án điện gió theo Quy hoạch Điện VIII. Tại buổi làm việc, hai đơn vị đã đề xuất đầu tư trung tâm điện gió tại tỉnh Trà Vinh.
Trà Vinh là tỉnh có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, UBND tỉnh Trà Vinh đã báo cáo Bộ Công Thương về việc đề xuất các dự án vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII tại tỉnh với nhiều dự án năng lượng tái tạo, trong đó có 26 dự án điện gió gần bờ/ven biển (tổng công suất 17.467 MW) và 4 dự án điện gió ngoài khơi (tổng công suất 10.000 MW).
Ông Nguyễn Tiến Khoa - Chủ tịch HĐTV EVNGENCO1 cùng lãnh đạo Vietsopetro khẳng định dự án sẽ được đầu tư với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư; góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội và tạo cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Tương tự, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng với liên danh nhà thầu gồm Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật TDH và Công ty TNHH RINA Consulting (gọi tắt là liên danh PECC1-TĐH-RINA) để thực hiện gói thầu “Nghiên cứu khả thi bổ sung công suất điện Lô 09-1 bằng tua bin gió”.
Dự án “Bổ sung công suất điện Lô 09-1 bằng tua bin gió” mà Vietsovpetro đang triển khai phù hợp với chiến lược chuyển đổi năng lượng theo cam kết của Chính phủ tại COP26, Quy hoạch điện VIII, cũng như chiến lược phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Gần nhất, Liên danh Công ty TNHH Goldwind International Holdings (HK) và Công ty Năng lượng và môi trường Toàn Cầu đã khảo sát tiềm năng và lập hồ sơ đề xuất dự án điện gió (tại 2 huyện Tràng Định và Bình Gia) với UBND tỉnh Lạng Sơn. Dự án điện gió Tràng Định 1 có công suất khoảng 233MW, diện tích khảo sát khoảng 3.950ha, tổng mức đầu tư gần 9.293 tỷ đồng (tương đương 398 triệu USD). Tiến độ dự kiến đưa vào vận hành 2026-2027.
Ngoài ra, Tập đoàn Năng lượng JERA (Nhật Bản) hiện đang vận hành các nhà máy nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời tại Nhật Bản, châu Âu, châu Á. Với kinh nghiệm có được, JERA đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực điện khí, điện gió ngoài khơi với công nghệ tiên tiến nhất.
Ông Steven Winn - Giám đốc Chiến lược toàn cầu, kiêm Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn Năng lượng JERA (Nhật Bản) cho biết, JERA hiện đang vận hành các dự án nhiệt điện khí, điện gió, điện mặt trời tại Nhật Bản, châu Âu, châu Á. Với kinh nghiệm có được, JERA đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực điện khí, điện gió ngoài khơi với công nghệ tiên tiến nhất.
Đứng trước xu thế chuyển dịch sang nguồn năng lượng xanh, sạch đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là sau khi Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26. Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII – PDP8).
Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đạt 6GW vào năm 2030, tầm nhìn 70 - 91,5GW vào năm 2050, chiếm tỷ trọng lần lượt là 4% và 14,3 - 16% trong tổng cơ cấu năng lượng.
Các con số này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc khai thác tiềm năng của năng lượng gió ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, đặc biệt đối với nguồn năng lượng xanh và mong muốn đạt được mức độ an ninh năng lượng cao hơn.
Bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững, phát triển điện gió ngoài khơi còn góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh lực này.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, với bờ biển dài và tiềm năng gió dồi dào, điện gió Việt Nam có tiềm năng ước đạt 475GW, trong đó tiềm năng kỹ thuật khoảng 160GW. Yếu tố này rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng công nghệ đã, đang và sẽ đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng của thế giới. Chuyển dịch năng lượng Việt Nam đang gặp một số thách thức, vừa phải đảm bảo nhu cầu tăng tiêu thụ năng lượng, vừa phải lo chuyển dịch, trong khi nguồn cung cấp nhiên liệu bị phụ thuộc vào nước ngoài.
Do đó, Việt Nam cần định hướng chiến lược giảm phát thải các-bon dài hạn, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Muốn thế, cần gỡ các rào cản chính sách, tiếp cận các nguồn lực quốc tế để phát triển.