Chương trình nâng cấp đô thị Vùng ĐBSCL: Thu xếp để triển khai cho 7 tỉnh còn lại
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ngay sau khi Nghị quyết 120 được ban hành, Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các định hướng phát triển không gian, đô thị và nông thôn trong Quy hoạch này đã được lồng ghép các nội dung chủ động ứng phó và thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa các can thiệp không hợp lý của con người vào tự nhiên. Ảnh minh họa |
Các định hướng phát triển không gian, đô thị và nông thôn trong Quy hoạch này đã được lồng ghép các nội dung chủ động ứng phó và thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa các can thiệp không hợp lý của con người vào tự nhiên. Tất cả các hoạt động xây dựng từ Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và điểm dân cư, phát triển hạ tầng cũng được định hướng phải phù hợp với hệ sinh thái tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Vùng, đặc biệt là các phân vùng sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long cách đây 3 năm, đó là: “không đẩy thách thức trở thành nguy cơ mà chuyển các thách thức trở thành cơ hội và thúc đẩy phát triển”.
Gần đây nhất, Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai các dự án cấp nước liên vùng cho người dân trong vùng trong thời gian tới, tiến tới ứng phó chủ động với tình trạng thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn đang xảy ra với tần suất ngày một nhiều và mức độ ngày càng trầm trọng.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung và hoàn thành xây dựng “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng ĐBSCL”, làm cơ sở xây dựng Quy hoạch Vùng ĐBSCL và Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Định hướng sẽ hình thành bộ khung, xác định mô hình phát triển, hình thái phát triển của hệ thống đô thị và nông thôn của vùng ĐBSCL; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, đảm bảo hình thành cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH; đảm bảo thúc đẩy liên kết vùng, kết nối đồng bộ, hữu cơ giữa đô thị và nông thôn trong Vùng. Đồng thời, sẽ đề xuất các giải pháp nâng cao và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của hệ thống đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL, trong đó xác định được mức độ ưu tiên và việc lựa chọn những vùng đô thị hóa làm động lực cho phát triển, các dự án phát triển đô thị và nông thôn trọng điểm, hạ tầng trọng yếu như đường cao tốc, cảng biển…
Song song với việc rà soát, điều chỉnh, lập mới các loại quy hoạch, đảm bảo đồng bộ, phù hợp và phục vụ tốt nhất thực tiễn, Bộ Xây dựng và các địa phương trong Vùng cũng đã tập trung đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các quy hoạch thông qua các Chương trình, Dự án quan trọng.
Chương trình nâng cấp đô thị Vùng ĐBSCL tập trung đầu tư nâng cấp đô thị của 6 tỉnh ĐBSCL với số vốn vay 296 triệu USD của Ngân hàng Thế giới. Dự án hiện đã kết thúc vào năm 2018 và đang tiếp tục, đàm phán, thu xếp để triển khai cho 7 tỉnh còn lại.
100% các xã vùng ĐBSCL đã được công nhận nông thôn mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đẩy mạnh, đến nay 100% các xã vùng ĐBSCL đã được công nhận nông thôn mới.
Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL được thực hiện từ năm 2011. Qua hai giai đoạn, Chương trình đã hoàn thành xây dựng được 863 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn, đã đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai. Trong đó, Giai đoạn 1 nghiên cứu hệ thống cảnh báo thiên tai, lũ lụt sớm và tăng cường công tác quản lý, ứng phó lũ lụt cho các ban ngành liên quan cùng người dân trong vùng ngập lũ; Giai đoạn 2 thực hiện tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau nhằm thiết lập và bổ sung hệ thống cảnh báo lũ sớm và hệ thống đo mực nước tại TP. Long Xuyên, TP. Rạch Giá và TP. Cà Mau, xây dựng dữ liệu liên quan đến ngập úng, đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân địa phương trong trường hợp mực nước dâng cao, đồng thời đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu lập quy hoạch thoát nước chống ngập cho các đô thị nêu trên.
Trong thời gian tới, Dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” do Ủy ban nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre đề xuất sẽ tiếp tục được các Bộ ngành nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để sớm đáp ứng yêu cầu cấp nước an toàn cho người Vùng ĐBSCL.
Thúy Hạnh