Ứng dụng công nghệ giúp hỗ trợ kịp thời sản phụ, người tai nạn trong mưa lũ
Trao đổi tại phiên hội thảo 1 của chuyên đề “Chính quyền, người dân và doanh nghiệp” diễn ra chiều ngày 29/11, trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á năm 2023, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ ngay câu chuyện thực tế tại địa phương mình trong đợt mưa lũ lớn vừa qua.
Cụ thể, qua tổng đài hỗ trợ ứng cứu bà con mùa mưa lũ, trong 3 ngày từ 14 – 16/11 vừa qua, khi mưa lũ lớn xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh đã nhận được khoảng 700 cuộc gọi của người dân.
Đặc biệt, trong gần 255 cuộc gọi cần ứng cứu khẩn cấp, có 1 trường hợp người dân bị bệnh tim cần cấp cứu, 2 trường hợp tai nạn, 8 trường hợp sản phụ chuyển dạ và nhiều yêu cầu hỗ trợ di chuyển đến bệnh viện trong điều kiện thời tiết khó khăn.
“Kết quả trên chúng tôi có được nhờ ứng dụng công nghệ đúng cách, phù hợp. Đây cũng là minh chứng cho việc chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế được triển khai trên quan điểm lấy người dân làm trung tâm”, ông Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ.
Từ kinh nghiệm hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh nhiều địa phương, ông Vũ Việt Hưng, chuyên gia tư vấn của Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đề xuất hướng tiếp cận hướng vào người dân, với 5 bước chính cần tập trung gồm: Xác định nhu cầu người dân; xây dựng giải pháp dựa trên nhu cầu của người dân; đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân; truyền thông, đào tạo, tập huấn; và cuối cùng là lắng nghe, cải tiến.
Ở góc độ chuyên gia nghiên cứu, ông Trần Thiện Chính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Bưu điện thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng nhấn mạnh rằng: Thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm sẽ đảm bảo tính bền vững, toàn diện, thịnh vượng và nhân quyền trong các thành phố.
Cùng với đó, thành phố thông minh có thể đưa đến tác động tích cực to lớn đến cuộc sống của người dân. Tuy vậy, quá trình triển khai, đòi hỏi phải có sự tham gia sâu sắc của tất cả người dân và các bên liên quan.
Phát triển đô thị thông minh không còn là một khẩu hiệu
Công tác tại đơn vị được giao làm đầu mối triển khai ‘Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030’ (Đề án 950), ông Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng nhận định: Phát triển đô thị thông minh không còn là một khẩu hiệu mà đã trở thành lựa chọn thiết thực tại các đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống và năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ: TT&TT, KH&CN và các bộ ngành, địa phương duy trì sự kết nối thường xuyên trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh.
Đến nay, cả nước đã có có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã giao cho các đô thị trực thuộc triển khai phát triển đô thị thông minh ở cấp độ thành phố, thị xã, quận để thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng ở quy mô toàn tỉnh.
Ông Trần Ngọc Linh cũng chia sẻ một số kết quả phát triển đô thị thông minh theo các trụ cột định hướng tại Đề án 950. Theo đó, hiện nhiều địa phương đã bắt đầu tập trung vào xây dựng nền tảng cho quy hoạch thông minh, trước hết xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quy hoạch và công tác quản lý thông minh.
Về cung cấp các dịch vụ tiện ích đô thị thông minh, khoảng 57 địa phương đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.
Tuy vậy, theo đại diện Cục Phát triển đô thị, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại như: Các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho đô thị thông minh, những nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển đô thị thông minh còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, do hạn chế về nguồn lực và dữ liệu cho đô thị thông minh.
Song song đó, cơ chế nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển đô thị thông minh nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa.
Ngoài ra, tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh còn chưa cao.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những khó khăn trên, đại diện Cục Phát triển Đô thị đề nghị các địa phương thời gian tới tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển đô thị thông minh bền vững; phát triển đô thị thông minh bắt đầu từ công tác quy hoạch.
Đồng thời, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng và các công trình kiến trúc đô thị theo đồ án quy hoạch được duyệt một cách thông minh; hướng tới vận hành đô thị thông minh thông qua cung cấp các tiện ích thông minh để đảm bảo chất lượng, hiệu quả, an toàn.
“Phát triển đô thị thông minh không chỉ là trách nhiệm của cơ quan trung ương, mà còn cần sự hợp tác, chủ động của các chính quyền đô thị, đối tác và cần phải được cụ thể hóa trên cơ sở các kế hoạch thực hiện, hợp tác cùng thúc đẩy”, đại diện Cục Phát triển đô thị nhấn mạnh.