Vừa mới đây, Hội thảo với chủ đề “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức tại Hà Nội.

Hướng đi đúng đắn

Trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam được xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. 

{keywords}
Thành phố mới Bình Dương 

Việt Nam, ngay sau khi tham gia ASCN vào năm 2018 (với sự tham gia thí điểm ASCN của 03 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, với 3 nhóm nội dung ưu tiên gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; quản lý đô thị thông minh và tiện ích đô thị thông minh.

Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, hiện nay nhiều đô thị ở Việt Nam đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... từng bước tối ưu hóa quản lý phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống cư dân đô thị và tạo ra cơ hội phát triển con người, không bỏ lại ai phía sau.

Đặc biệt, với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN cũng như nhận thức sâu sắc xu hướng thời đại, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực phát triển đô thị thông minh, như: Coi xây dựng đô thị thông minh là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; phát triển đô thị thông minh bền vững đến 2025 và tầm nhìn 2030, bắt đầu từ Quy hoạch thông minh gắn với quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, tạo thuận lợi cho các giao dịch giữa chính quyền/nhà quản lý - người dân - nhà đầu tư.

41/63 tỉnh, thành trực thuộc TƯ đã hoặc đang triển khai đề án đô thị thông minh

Việt Nam đặt mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, phía nam và miền trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. 

Đến nay, trên cả nước đã có 41 trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh. Trong đó, có đề án ban hành cho toàn tỉnh và cả đề án ban hành cho đô thị trực thuộc tỉnh. 

Theo các nhà phân tích, để hoàn thiện và phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam việc phát triển đô thị thông minh phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình phát triển đô thị Việt Nam. Phát triển đô thị thông minh phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, đồng thời cần làm từng bước, có chọn lọc, theo lộ trình.

Việc tiếp cận đô thị thông minh cần theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên. Các địa phương cùng với việc phát triển các tiện ích thông minh thì cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh phục vụ đưa ra các quyết định thông minh; thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý đô thị thông minh.

Song, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững.

Do đó, để hiện thực hóa những cơ hội là xây dựng thành công các thành phố thông minh tại Việt Nam thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ các nước, sự chung tay góp sức của khu vực tư nhân, cũng như sự phát triển trong nhận thức của cộng đồng dân cư mỗi quốc gia trong khu vực.

Hà Sơn