Mới đây, Bộ TT&TT đã lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam". Đây là một khởi đầu quan trọng, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ, sớm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho rằng, diễn đàn này không những thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp công nghệ mà còn có sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ và nhiều bộ ngành. Tại hội nghị này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành phải thay đổi để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ phát triển, đây là động thái rất tích cực để chúng ta phát triển các doanh nghiệp công nghệ.
"Ấn Độ là bài học thành công tốt về chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ. Thái Lan cũng sớm tuyên bố về quốc gia số. Các nhận thức quốc gia cần có chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ thì quốc gia mới phát triển bền vững được. Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Trước đây mình đã từng suy nghĩ mình có thể là trung tâm làm 1 phần sản xuất lắp ráp của Trung Quốc theo mô hình Trung Quốc + 1. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta có thể làm R&D và phải có chính sách kéo lực lượng R&D về Việt Nam. Chúng ta có thể thu hút được nhiều nhân lực của Việt Nam đã làm cho doanh nghiệp nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước. Với chiến lược quốc gia đúng đắn thì sau 5 năm - 10 năm nữa sẽ thay đổi được diện mạo quốc gia", ông Nguyễn Trung Chính nói.
Bình luận về diễn đàn này, ông Nguyễn Ích Vinh, Tổng giám Tinhvan Outsourcing cho rằng: "Đây là diễn đàn rất hữu ích và tạo ra nhận thức tích cực cho doanh nghiệp và cả người dân. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc quan trọng là tìm đúng hướng đi và tập trung nguồn lực để phát triển doanh nghiệp công nghệ, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân". Theo ông Nguyễn Ích Vinh, những vấn đề được đưa ra tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ liệu đã đủ để thúc đẩy công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam, cũng không nên làm quá nhiều chiến lược mà chỉ cần tập trung quyết liệt vào một, hai chiến lược và phải thực hiện đến cùng các chiến lược đó.
Ông Phạm Hải Văn, Giám đốc khu vực miền Bắc của Công ty Haravan chia sẻ: "Là một doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi cũng rất mong muốn làm sao đem được những trí tuệ, công nghệ chúng tôi phát triển được để có thể ứng dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được những sản phẩm công nghệ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, với những ứng dụng công nghệ đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tạo ra được lợi thế cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy kinh tế tại Việt Nam phát triển theo".
Đề cập đến chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, ông Hùng Trần, CEO Công ty Got It cho rằng: "Hơn chục năm trước, chưa ai biết đến Uber, còn doanh nghiệp công nghệ này hiện được định giá hơn 100 tỷ USD. Cũng trong khoảng 10 năm qua, nhiều công ty công nghệ lớn đã hình thành, phát triển và sau khi họ IPO thì giá trị công ty đã rất lớn, có thể kể đến như Facebook, Google hay một số công ty khác. Với tư tưởng đó và dựa trên kinh nghiệm của chính Got It, tôi cho rằng Việt Nam có thể xây dựng được những công ty toàn cầu, đào tạo ra lứa nhân sự làm công nghệ hùng mạnh để gây dựng doanh nghiệp".
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã đưa ra khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam". Đây là chủ đề thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bình luận về vấn chiến lược "Make in Viet Nam", ông Nguyễn Trung Chính cho rằng, việc đặt vấn đề này rất đúng, thậm chí chúng ta đặt ra còn hơi chậm. "Nếu chúng ta chỉ làm xuất khẩu phần mềm và lắp ráp thì chuỗi giá trị gia tăng này rất thấp, lợi nhuận chỉ từ 10 - 13%. Chúng ta không nên đi theo các mô hình sản xuất lắp ráp cách đây 20 năm, làm thế nào thoát khỏi mô hình này một cách thông minh, đó là sản xuất chế tạo bởi con người Việt Nam, công ty tại Việt Nam. Make in Vietnam không chỉ là con người Việt Nam mà cả các công ty nước ngoài tại Việt Nam làm ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chúng ta cần làm những công việc có năng suất công nghệ và hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, đây là con đường thoát bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Nếu chúng ta có chiến lược và con đường đi đúng thì chúng ta có thể đi nhanh được hơn các quốc gia đã thành công khác", ông Chính nói.
Ông Nguyễn Ích Vinh thì cho rằng, "Make in Viet Nam" được đưa ra ở thời điểm này rất chuẩn và có ý nghĩa tích cực, thể hiện sự quyết liệt và chủ động của Việt Nam chứ ko chờ việc nữa. Trên thế giới, đã có những quốc gia như Ấn Độ đã thành công với chiến lược "Make in India" và Việt Nam có thể học hỏi được kinh nghiệm này.
Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Nam, Cựu CEO FPT, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, “Make in Vietnam” chính là một tuyên bố quyết tâm giành độc lập về mặt công nghệ, được đưa ra đúng thời điểm, khi mà Việt Nam đang trở thành một cơ hội và là điểm thu hút đầu tư lớn.
Ông Nguyễn Thành Nam nhận định rằng để 'Make in Vietnam' thành hiện thực, cần hội tụ một số điều kiện: Một là, phải đặt được bài toán rõ ràng. Việt Nam có cơ hội, có thị trường với 100 triệu dân và mức thu nhập tăng không ngừng. Tuy nhiên, một hạ tầng xã hội thô sơ, dân trí thấp, pháp luật lỏng lẻo, đang làm cho các vấn đề đan xen nhau, phụ thuộc nhau, rất khó có thể bóc tách thành những bài toán rõ ràng để dùng công nghệ giải quyết.
Thứ hai là thời cơ. Trong thời đại toàn cầu hóa, ở đâu có cơ hội, ở đó có cạnh tranh. Cơ hội càng lớn, cạnh tranh càng khốc liệt. Chúng ta không nên và không thể đối đầu với thế giới. Ngược lại chúng ta cần mềm dẻo, lấy “vũ khí địch đánh địch”, tận dụng tối đa lợi thế của người đi sau. Chọn lĩnh vực nào: tài chính hay hậu cần, giao thông hay y tế, chăn nuôi hay giáo dục? Đứng trên toàn cục mà nói, thì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang mở ra và sẽ còn leo thang căng thẳng, chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội to lớn cho ngành công nghệ Việt Nam chủ động giải quyết các vấn đề của Việt Nam.
Cuối cùng là cần có một thủ lĩnh ở tầm cỡ quốc gia để khi thời cơ đến thì biết cách chớp lấy một cách quyết liệt. Người thủ lĩnh phải là người tập hợp được tất cả các lực lượng, công nghệ, tài chính, chuyên ngành, pháp luật. Không phân biệt người Việt trong nước hay ngoài nước. Không phân biệt công ty to hay công ty nhỏ. Bằng cách đứng ra tổ chức Diễn đàn lần đầu tiên cho doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có thể coi là đã dũng cảm đứng ra cầm cờ cho công cuộc “Make in Vietnam” này.
Ông Nguyễn Thành Nam phân tích, về phía các doanh nghiệp công nghệ, trước hết phải là một doanh nghiệp bình thường, công nghệ không phải là đũa thần. Không phải cứ danh xưng công nghệ hoặc cứ “make” được công nghệ là sẽ thành công. "Độc lập về công nghệ là một giấc mơ kỳ vĩ. Muốn giấc mơ đó trở thành hiện thực, ngoài quyết tâm, cái chúng ta cần nhất lúc này có lẽ là nỗ lực lao động một cách kiên nhẫn và thông minh, dựa trên một hiểu biết sâu sắc về thực tiễn và những sự thay đổi lớn lao do tác động công nghệ đang xảy ra trên toàn cầu", ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.