Là vùng đất có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời, trải qua thời gian cùng nhiều thăng trầm của lịch sử, kho tàng di sản văn hóa (DSVH) của tỉnh vẫn còn lưu giữ được nhiều di tích, di chỉ khảo cổ, hiện vật, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian… phong phú và độc đáo.

Theo thống kê của Sở VHTTDL, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt; 420 di tích cấp tỉnh.

huongcanh.png
Một góc đình Hương Canh

Đối với DSVH phi vật thể, tỉnh đã công bố danh mục 571 di sản, trong đó có 7 di sản được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia gồm hát ca trù, kéo song Hương Canh, lễ hội đền Ngự Dội, hát Sọong Cô của người Sán Dìu; hát Trống quân Đức Bác; tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và lễ hội truyền thống xã Đại Đồng.

Giám sát chuyên đề công tác quản lý phát triển

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII tiến hành giám sát chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước, đầu tư, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

Mở đầu phiên giám sát, đại biểu Trần Việt Cường, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Bình Xuyên đề cập đến những tồn tại như: Nhiều di tích đã được xếp hạng nhưng chưa phát huy hiệu quả, thiếu thông tin quảng bá đến nhân dân và du khách; đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu và thiếu; đầu tư hạ tầng kết nối đến các khu, tuyến, điểm du lịch chưa đồng bộ; việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân... Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp khắc phục những tồn tại kể trên.

Băn khoăn trước những tồn tại, hạn chế trong khai thác các tuyến, điểm du lịch để phát triển du lịch gắn với du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng đại biểu Nguyễn Thị Minh Hiên, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị  huyện Lập Thạch cho rằng UBND tỉnh cần nghiên cứu, có khung chiến lược cụ thể về phát triển du lịch gắn với du lịch tâm linh bảo đảm đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đồng thời, có nhóm giải pháp, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch; có thêm giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; khai thác tốt thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Cho rằng hiện nhiều di tích chưa có cơ sở lưu trú; sự kết nối giữa tuyến, điểm du lịch với các di tích còn rời rạc, thiếu đồng bộ; thiếu các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của tỉnh..., đại biểu Bùi Hữu Hưng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Vĩnh Tường đề nghị UBND tỉnh nêu rõ chủ trương, giải pháp thu hút, kéo dài thời gian lưu trú của du khách đến tỉnh; những định hướng phát triển đối với sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Đại biểu Thích Minh Lâm, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Vĩnh Tường đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ hiện trạng trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu di tích, di vật, cổ vật; việc bảo tồn, phát huy hiệu quả đối với các di tích, di vật, cổ vật; có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đầu tư tôn tạo, trùng tu đối với các di tích lịch sử đã được xếp hạng.

Cung cấp thêm thông tin đại biểu quan tâm về thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh những dự án đang triển khai thực hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. 

Ông Độ cũng cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang dành nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng ngoài hàng rào các khu du lịch nhằm khắc phục tình trạng một số tuyến đường chính kết nối tới các tuyến, điểm du lịch còn nhỏ hẹp, xuống cấp; thiếu dịch vụ vận chuyển hành khách... Qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu kết nối tuyến, điểm du lịch với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Kết luận phiên giám sát chuyên đề, Phó Chủ tịch HDNĐ tỉnh Nguyễn Trung Hải chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung: Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về Luật Du lịch, Luật Di sản, các văn bản của Trung ương, các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phát triển du lịch gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh, trong đó cần khai thác lợi thế về du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng theo Đề án xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Tập trung rà soát các chính sách về phát triển du lịch và quản lý di tích đã ban hành, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những chính sách mới.  

Thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ cổ vật, di tích có giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản và xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích tại các điểm du lịch, di tích; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch và di tích, hướng dẫn viên du lịch. Thường xuyên kiểm tra tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm để các khu, điểm du lịch luôn là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.

Số hóa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể.

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH tiếp tục có những bước tiến mới.

Việc số hóa di sản nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ cồng kềnh, kém hiệu quả; tiết kiệm chi phí so với các phương pháp bảo tồn khác và cho tính trực quan, độ tin cậy cao.

Bên cạnh đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để giới thiệu, quảng bá hệ thống DSVH, hình ảnh vùng đất, con người Vĩnh Phúc thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số gắn với phát triển du lịch trực tuyến, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa Vĩnh Phúc của bạn bè trong nước và quốc tế.

Ngày 02/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu DSVH Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2030. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu DSVH phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một…

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, hiện Sở VHTTDL đang khẩn trương kiểm kê các DSVH trên địa bàn tỉnh; phân loại, đánh số tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh.

Thời gian tới, Sở VHTTDL tỉnh sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin, thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về DSVH và tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu tại Bảo tàng tỉnh; xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, Cổng thông tin về DSVH Vĩnh Phúc.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện tra cứu tư liệu tại Cổng thông tin về DSVH Vĩnh Phúc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho các cán bộ làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực DSVH.

Hồng Phúc và nhóm PV, BTV