Có thể đánh giá, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được thành công tốt đẹp. Tiếp nối sự phát triển mạnh mẽ từ những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 147/QĐ-TTg, về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Chiến lược được kỳ vọng tạo ra bước đột phá mới để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

5 quan điểm phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới

Chiến lược khẳng định 5 quan điểm phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại;

Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả;

Đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa;

Đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa;

Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam trong 10 năm tới

Để vực dậy ngành công nghiệp không khói nhiều tiềm năng này, các ban, ngành chức năng thành phố Hồ Chính Minh tích cực triển khai những giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa.

Đến năm 2025: Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13% - 14%/năm; đóng góp trực tiếp 12% - 14% vào GDP; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12% - 14%/năm; phấn đấu đón được ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 12% - 14%/năm và khách nội địa từ 6% - 7%/năm.

Đến năm 2030: Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11% - 12%/năm; đóng góp 15% - 17% vào GDP; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8% - 9%/năm; phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân về khách quốc tế từ 8% - 10%/năm và khách nội địa từ 5% - 6%/năm. Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững.

9 nhóm giải pháp trọng tâm 

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra theo 5 quan điểm phát triển đã được xác lập, Chiến lược xác định 9 nhóm giải pháp trọng tâm mà ngành du lịch phải thực hiện trong thời gian tới, gồm: Đổi mới tư duy về phát triển du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về du lịch.

“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” là đột phá chính sách cho phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới, cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Luật Du lịch năm 2017.

Tuyết Nhung, H. Hải, Lan Anh