Vĩnh Phúc là tỉnh có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn với quần thể danh lam, thắng cảnh như: Vườn Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà; danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, Đền thờ Trần Nguyên Hãn… 

Những năm qua, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trọng yếu của Vĩnh Phúc, góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm và doanh thu cho địa phương. Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, đòi hởi tỉnh cần có chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến nhằm tạo sức bật, nâng cao tính cạnh tranh trong giai đoạn sắp tới.

Nền tảng phát triển du lịch

Trong giai đoạn 2015 - 2019, du lịch Vĩnh Phúc đã tăng trưởng nhanh chóng cả về lượng khách và doanh thu. Theo thống kê, lượng du khách đến Vĩnh Phúc năm 2019 tăng gấp 1,84 lần so với năm 2015, tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 19,4%/năm.

Tổng thu từ du lịch trên địa bàn tỉnh tăng từ 1.170 tỷ đồng năm 2015 lên 1.910 tỷ đồng năm 2019. Trong 3 năm gần đây (2018 - 2020), lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng trưởng bình quân 15%/năm, đóng góp quan trọng vào nguồn thu cho ngân sách, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Sự thuận lợi về vị trí địa lý, đa dạng phong phú về điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội, cũng như sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng đã giúp Vĩnh Phúc có nền tảng và cơ hội để phát triển mạnh về du lịch. 

Lượt khách du lịch quốc tế đến với Vĩnh Phúc tăng mạnh, từ 22.34 lượt năm 2011  tăng lên 43.500 lượt năm 2019. Riêng năm 2020, lượng khách quốc tế giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2011 - 2019, khách nội địa đến Vĩnh Phúc tăng gấp 6 lần.

Du lịch đã tạo việc làm cho trên 14.000 lao động, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. 

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm phát triển du lịch với những chính sách kịp thời, phù hợp. Hoạt động đầu tư cơ sở lưu trú và cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cũng tăng trưởng mạnh về số lượng qua các năm. Cùng với đó, tỉnh định hướng phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch làng nghề; du lịch tâm linh.

Du lịch hướng tới môi trường và du lịch xanh tuy không mới nhưng nhu cầu lại rất cao, vì vậy Vĩnh Phúc đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nhằm khai thác điều kiện khí hậu đặc thù như Tam Đảo, hồ Đại Lải, Đầm Vạc, hồ Thanh Lanh, thác Ba Ao… Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 25 làng nghề, trong đó, có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Nhiều làng nghề có lịch sử lâu đời và mang tính đặc trưng…

Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề đem lại giá trị kinh tế lớn, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân song cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn yếu kém. Đây là vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch.

Tuy lượng du khách đến Vĩnh Phúc tăng cao nhưng doanh thu từ du lịch còn thấp, do mức chi tiêu bình quân của du khách thấp, khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày/khách. 

Nguyên nhân chủ yếu do lượng khách lưu trú không nhiều, thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tuy có phát triển nhưng phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Đảo... vì vậy, không giữ được khách là các chuyên gia cao cấp lưu trú tại tỉnh.

Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch khiến các doanh nghiệp du lịch lâm vào cảnh khó khăn. 

Cơ hội vàng phục hồi sau đại dịch

Để tiếp tục phát huy lợi thế về du lịch của tỉnh và thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào ngành du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đang xây dựng nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2025. 

Nghị quyết được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh du lịch trên địa bàn mong muốn tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng thêm nhiều điểm vui chơi và dịch vụ để thu hút du khách lưu trú; đẩy mạnh quảng bà xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. 

Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025 sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển phát triển du lịch trên địa bàn.

Tỉnh sẽ dành nguồn lực tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối các khu, điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn.

Tỉnh sẽ dành nguồn lực tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối các khu, điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn. Hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn, hỗ trợ các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho vườn cây ăn quả, vườn hoa sinh thái kết hợp với kinh doanh du lịch. Hỗ trợ kinh phí thành lập đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các địa điểm có hoạt động du lịch cộng đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch. Hỗ trợ xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch, quà lưu niệm của tỉnh.

Ngoài ra, hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các dự án vui chơi, giải trí; hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Hỗ trợ giảm phí tham quan, dịch vụ cáo treo, xe điện tại khu danh thắng Tây Thiên và khu du lịch Flamingo Đại Lải cho người dân Vĩnh Phúc.

Tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ, từ xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông đến hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch. Nhiều doanh nghiệp, các ngành chức năng và người dân hy vọng nghị quyết được ban hành sẽ thúc đẩy du lịch Vĩnh Phúc phát triển bền vững.   

Song song đó là tập trung kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với doanh nghiệp lớn, cần tạo cơ chế, điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, chính sách ưu đãi. Cùng với đó, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào khai thác mọi tiềm năng, lợi thế du lịch trên địa bàn.

Khách nội địa vẫn là đối tượng phục vụ chính trong thời điểm này, do vậy tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến du lịch; có sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng; có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị quản lý nhà nước về du lịch và các hiệp hội, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các khu du lịch.

Đặc biệt, chú trọng sử dụng công nghệ trong quảng bá hình ảnh du lịch. Hỗ trợ phát triển hạ tầng. Hỗ trợ khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước; thực hiện liên kết du lịch với các địa phương lớn để thu hút du khách đến với Vĩnh Phúc.

Tạo cơ chế thông thoáng để các cá nhân, hộ doanh nghiệp chuyển hướng sang làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng nhằm phát huy các giá trị bản sắc văn hóa địa phương.

Nhằm phục hồi, phát triển ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 39 về việc phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 trên địa bàn tỉnh. 

Chương trình hướng tới phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, gắn với thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và triển khai Hướng dẫn tạm thời số 3862 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, góp phần từng bước phục hồi ngành du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân trong và ngoài tỉnh. 

Thời gian tới ngành du lịch tỉnh sẽ tập trung giới thiệu, quảng bá những sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Đẩy mạnh kích cầu nội địa với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), các doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch sẽ triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với các địa phương trong cả nước. Trong đó, phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, hiệp hội du lịch nhằm xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng.

Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã có nhiều động thái tích cực và linh hoạt trong việc tiếp cận, quảng bá để phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch của tỉnh. Năm 2022 được coi là cơ hội vàng để phục hồi ngành du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung trong tỉnh, đưa Vĩnh Phúc trở thành đô thị văn minh, hiện đại và phát triển.

Phạm Hải, Duy Khánh, Thu Hoài, Duy Linh, Tuyết Nhung