Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển

Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.

anh bai 1.jpg
Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.

Trước hết, Đà Nẵng có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Với hơn 30km đường bờ biển, Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp. Dải các bãi biển đẹp, có điều kiện lý tưởng từ Liên Chiểu đến Non Nước (Nam Ô, Xuân Thiều, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê...) được xem là khu vực hấp dẫn các nhà đầu tư và là động lực chính của việc phát triển các ngành kinh tế biển. 

Gần đây, bãi biển Đà Nẵng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh, cùng với sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, là động lực cho Đà Nẵng xây dựng thành thành phố biển mang tầm quốc tế với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch biển. 

Với nền nhiệt cao, luôn trên 20ºC, vùng biển Đà Nẵng là nơi thích hợp cho sinh vật phù du, cá, tôm, san hô… phát triển, đem lại nguồn lợi hải sản lớn cho thành phố. Sinh vật biển Đà Nẵng rất đa dạng, với hơn 266 loài có giá trị kinh tế cao, riêng về cá có hơn 600 loài (30 - 40 loài có giá trị kinh tế cao). Trữ lượng hải sản lớn, khoảng 1.136 nghìn tấn, khả năng khai thác hằng năm là 60.000 70.000 tấn hải sản các loại. 

Biển Đà Nẵng là vùng biển nhiệt đới, quanh năm nắng ấm, là điều kiện tốt cho san hô phát triển. San hô Đà Nẵng phát triển quanh bán đảo Sơn Trà thành dạng diềm, trong đó san hô đá hơn 90%. San hô có vai trò bảo đảm đa dạng sinh học trên vùng biển thành phố và là lợi thế phát triển du lịch. Hiện nay, Đà Nẵng phát triển loại hình du lịch lặn biển ngắm san hô thu hút du khách gần xa. 

Vùng biển ngoài khơi, quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa của thành phố cũng là khu vực giàu hải sản, và là nơi thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Thành phố có trên 576ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn, phân bố ở các khu vực Thọ Quang, Nại Hiên Đông, Hòa Cường, Hòa Hiệp, quanh đèo Hải Vân. 

Ngoài ra, Đà Nẵng còn có nhiều tài nguyên và lợi thế ven biển khác như: Khoáng sản - cát trắng, mỏ dầu khí…

Phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng

“Phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng theo hướng bền vững vừa là một xu hướng vừa là một nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi thế giới mà con người đang tồn tại khá “mỏng manh, dễ bị tổn thương” bởi những tác động của chính con người chúng ta. Khai thác, sử dụng các lợi thế cần đi đôi với bảo vệ, tôn trọng, khôi phục… để con người có thể khai thác được lâu dài. Việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng phát triển bền vững là xu thế tất yếu của Thành phố Đà Nẵng hiện tại và tương lai. Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững là một chiến lược phát triển nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả những lợi thế biển phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.”, Thạc sĩ Hoàng Thị Diệu Huyền nhận định.

Bà Huyền lưu ý, việc khai thác phát triển kinh tế biển cần có sự quy hoạch một cách bền vững, bảo đảm tính hiệu quả để có giá trị dài lâu. 

Thời gian tới, Đà Nẵng cần có chiến lược khai thác kinh tế biển, lấy kinh tế biển làm động lực thúc đẩy sự phát triển của cả thành phố. Cần nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện có cơ sở khoa học về tiềm năng du lịch nói chung, tiềm năng du lịch biển, đảo nói riêng để làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển du lịch trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy mạnh khả năng phát triển du lịch sinh thái biển, đảo dựa trên thế mạnh của tiềm năng đa dạng sinh học, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… 

Cùng với đó, cần phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Đối với vận tải biển, cần tập trung nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảng nước sâu Tiên Sa và cảng Liên Chiểu. 

Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các khu kinh tế, khu du lịch, đô thị ven biển, có chính sách liên  kết, hợp tác vùng, nhất là địa phương trên “Con đường Di sản miền Trung”. 

“Phát triển kinh tế biển, đảo cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc, trên cơ sở đó đưa ra các chương trình hành động và giải pháp cụ thể nhằm xây dựng chiến lược, hướng đến khai thác và quản lý biển, đảo một cách bền vững”, bà Huyền khuyến nghị.

Bình Minh và nhóm PV, BTV