Với ưu thế có vùng biển rộng 3700km2, trong đó có 25 km bờ biển, chạy dài theo hình cánh cung nối 8 xã vùng biển, từ xã Diễn Trung đến xã Diễn Hùng, tạo thành một vịnh nhỏ, với nhiều hộ ngư dân làm nghề đánh cá lâu đời. 

Những năm qua, các ngư dân trong huyện được tạo điều kiện vay vốn đầu tư mua sắm thêm tàu thuyền, dụng cụ đánh bắt, đẩy mạnh nghề đánh bắt thủy hải sản, nâng cao sản lượng hàng năm. 

Đến nay, ngư dân Diễn Châu đã có đội thuyền tương đối khang trang, có thể đánh bắt dài ngày trên biển, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. An ninh tuyến biển được đảm bảo đã tạo điều kiện để người dân Diễn Châu yên tâm lao động sản xuất. 

dien chau phat trien kinh te bien.jpg
Ngành khai thác thuỷ sản giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của huyện gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Năm 2022 sản lượng khai thác thuỷ sản của toàn huyện đạt 42.000 tấn. Thời điểm từ tháng 7 đang là mùa khai thác chính vụ của bà con ngư dân nên cảng cá Diễn Ngọc thu hút số lượng lớn khách hàng, nhất là các thương lái từ khắp các vùng miền đổ về thu mua hải sản tươi sống. 

Diễn Ngọc là xã có số tàu thuyền lớn của huyện, đa số ngư dân đánh bắt trong ngày, khai thác mặt hàng tươi sống, nên dễ tiêu thụ. Những ngày qua mỗi chuyến tàu công suất 90CV cũng thu nhập từ 2- 3 triệu đồng/ngày.

Diễn Châu đã làm tốt công tác bảo quản, chế biến nâng cao giá trị, đảm bảo hậu cần nghề cá, nhiều hộ đã thành lập công ty chế biến để xuất khẩu sang nước ngoài. Đời sống người dân biển ngày càng ấm no, sung túc.

 Để tạo động lực cho bà con ngư dân yên tâm khai thác huyện Diễn Châu còn củng cố phát triển nghề chế biến hải sản, đặc biệt xây dựng các sản phẩm thương hiệu Ocop để đảm bảo thu mua và chế biến sản phẩm cao cấp góp phần nâng cao giá trị nguồn hải sản khai thác được.

Đi đôi với việc mua sắm nâng cấp trang thiết bị thì việc chấp hành quy định về an toàn trên biển được thực hiện nghiêm ngặt. Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, nhất là ở những ngư trường xa bờ trong thời tiết xấu và mùa mưa bão, công tác kiểm tra trang bị an toàn trước khi ra khơi luôn được các chủ phương tiện quan tâm hàng đầu.

Riêng đối với tàu đánh bắt xa bờ được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa và phải liên lạc 2 chiều với cơ quan chức năng trên bờ, giữ thông tin liên lạc thông suốt để kịp thời xử lý mọi tình huống bất cập xẩy ra. Đặc biệt, các chi hội nghề cá triển khai cho các chủ phương tiện hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác đánh bắt hải sản, đồng thời cùng lực lượng chức năng tăng cường bảo vệ vùng biển.

Hiện nay, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân tự giác chấp hành các qui định bảo đảm an toàn trên biển, huyện cũng đã phát triển mô hình “tổ, đội" tàu đánh bắt xa bờ, để có điều kiện hỗ trợ nhau trong qua trình khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, phòng chống thiên tai và kịp thời ứng phó nhau khi gặp rủi ro tai nạn trên biển. 

Mặt khác, huyện triển khai phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương, nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), góp phần rút ngắn lộ trình gỡ “thẻ vàng” theo khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC).

Theo đó, Diễn Châu đã tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu những quy định trong khai thác đánh bắt trên biển, nâng cao ý thức chấp hành trong mỗi chuyến biển ra khơi. 

Xã Diễn Bích có 85 tàu công suất từ 90CV đến 822CV. Ngoài ra, còn có 46 tàu công suất dưới 90CV. Đây là đội tàu có đóng góp lớn cho sản lượng thủy sản hằng năm của huyện và chiếm phần lớn tăng trưởng kinh tế của xã. Do đó, chính quyền địa phương quán triệt chặt chẽ những quy định trong khai thác thủy sản, 100% tàu thuyền đều có  hồ sơ thủ tục theo quy định, được lắp đặt máy giám sát hành trình. Ngoài ra, hằng năm xã đều thực hiện ký cám kết đánh bắt không vi phạm quy định của IUU đối với các chủ tàu.

Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích Nguyễn Văn Liên, cho biết, để các ngư dân yên tâm bám biển, thực hiện nghiêm các quy định trong khai thác hải sản, đến nay, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống IUU. Thậm chí, cắt cử người đến trực tiếp tại hộ gia đình có chủ tàu để vừa tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết, nhằm theo dõi hoạt động của các tàu thuyền hoạt động khai thác trên biển.

Toàn huyện Diễn Châu  hiện có 1.195 tàu thuyền, trong đó có 223 tàu xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi đều đã được lắp đặt máy giám sát hành trình.

Để hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản diễn ra an toàn đúng qui định, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Diễn Thành kết hợp với chính quyền các xã vùng biển tuyên truyền sâu rộng chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, Luật Thủy sản; chống khai thác IUU. 

Đồng thời tổ chức ký cam kết cho 420 chủ phương tiện; tổ chức Đoàn Liên ngành của huyện tiến hành 5 đợt tuần tra trên biển, qua đó đã phát hiện 8 tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 32 triệu đồng. 6 tháng đầu năm, thực hiện làm thủ tục xuất nhập lạch cho 3.690 lượt phương tiện, 12.623 lượt lao động.

Mỗi năm, Diễn Châu khai thác đạt trên 40 nghìn tấn hải sản, nghề biển tạo việc làm cho trên 6000 lao động cả trên bờ và trên biển. Ngành khai thác thuỷ sản của huyện tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển của huyện gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV