Việt Nam là quốc gia biển, với đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Kinh tế biển chính là động lực, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 11 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Riêng 11 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt 8,27 tỷ USD. Những kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Tình trạng ô nhiễm môi trường biển, suy thoái các hệ sinh thái biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh đặt ra yêu cầu cấp bách với các Bộ, ngành, địa phương ven biển.
Biển và hải đảo là không gian phát triển nhiều hoạt động kinh tế xã hội quan trọng. Để bảo đảm biển và đại dương có khả năng cung cấp các nguồn tài nguyên tái tạo cùng với các dịch vụ môi trường và hệ sinh thái nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo, không ngừng cải thiện cuộc sống của con người, cần một cách tiếp cận mới, bền vững là phát triển kinh tế biển xanh.
Trong một nghiên cứu mới đây của UNDP tại Việt Nam về “kinh tế biển xanh Việt Nam” công bố vào tháng 5/2022, có sự phối hợp của chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế đã đánh giá về hệ sinh thái biển và phát triển các ngành kinh tế bao gồm: Thủy sản và nuôi trồng thủy sản; dầu khí; năng lượng tái tạo biển; du lịch; và vận tải hàng hải. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy để phát triển kinh tế biển xanh đòi hỏi phải mở rộng bảo tồn và duy trì, khôi phục các hệ sinh thái biển.
Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã xác định kinh tế biển xanh là nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030. Kinh tế biển xanh đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển và dần trở thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển của nhiều quốc gia. Kinh tế biển xanh được hiểu là sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương. Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết, khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững, như: nghề cá, nuôi trồng, du lịch biển…
Để bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học biển phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế biển xanh, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế, cơ chế dựa vào thị trường trong quản lý, khai thác, sử dụng môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Để có hành lang pháp lý, Việt Nam cần sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn về thi hành các qui định về công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc tìm ra các mô hình phát triển kinh tế biển bền vững có vai trò then chốt trong việc duy trì nền kinh tế biển xanh. Các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá và lựa chọn các mô hình kinh tế biển bền vững phù hợp với mục tiêu vừa phát triển kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường vừa góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, những mô hình đã được nghiên cứu và trình diễn cần được đúc rút kinh nghiệm và triển khai như mô hình kinh tế xanh, mô hình dựa vào hệ sinh thái (EbA) ở các đảo và ven biển.
Ngoài ra, để bảo vệ và khai thác tài nguyên biển, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành với địa phương để hình thành nên một bộ máy tổ chức đủ mạnh để điều phối tổng thể các hoạt động trên biển.