Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 1,2 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 35%. Tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt trên các lĩnh vực.

Qua đó, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. 

anh man hinh 2024 01 01 luc 143335.png
Hội thảo tập trung vào các lĩnh vực thực hiện chính sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có hơn 1.100 hộ nghèo và trên 10.000 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%.

Tại Hội thảo Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng hiện nay do Tỉnh uỷ Sóc Trăng phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, các đại biểu đã chia sẻ nhiều tham luận xung quanh nội dung thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức người đồng bào dân tộc thiểu số; một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông thôn… trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo tập trung vào các lĩnh vực: thực hiện chính sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những mô hình tiêu biểu, phát triển giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, khoa học và công nghệ, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo hiểm y tế, an ninh trật tự, phát triển nguồn nhân lực, chính sách truyền thông và các dịch vụ khác nhằm bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

Thông qua hội thảo, những đề xuất, kiến nghị, giải pháp của các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý góp phần hỗ trợ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển bền vững tại địa phương trong tình hình mới.

Theo đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và địa phương, trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội và việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ vẫn còn chậm; một số mô hình sản xuất hiệu quả chưa cao; thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp…

Trong phiên thảo luận bàn tròn, đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học chia sẻ những nội dung: Thành tựu và bài học kinh nghiệm; Những bất cập và nguyên nhân trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh trong thời gian tới.

Khánh Vy