Nghề rèn của người Mông ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có từ khoảng hơn 300 năm trước, người Mông đã đến định cư tại đây, họ có phong tục, tập quán sinh sống trên những rẻo cao hay ở lưng chừng sườn núi. Để canh tác, sản xuất trên những địa hình khó khăn như vậy cần phải có những nông cụ sắc bén. Chính vì vậy, người Mông đã chế tác ra những sản phẩm vừa bền vừa sắc bén như con dao, cái cuốc, xẻng... để đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Phát triển nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông ở huyện vùng cao Mù Cang Chải. Ảnh minh họa. |
Trước kia, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều máy móc hiện đại, vật dụng, nông cụ rẻ và đẹp ra đời, dần thay thế cho sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy nhiên, những sản phẩm rèn thủ công bằng tay của người Mông vẫn được đồng bào, du khách trong và ngoài nước ưa chuộng bởi độ bền, độ tinh xảo cao.
Ngày nào cũng vậy, xưởng rèn của gia đình anh Giàng bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha cũng đỏ lửa.
Anh Giàng chia sẻ: Để làm ra những sản phẩm nông cụ sinh hoạt hàng ngày sắc bén như con dao, cái cuốc, anh có “bí quyết” riêng được truyền từ ông cha. Vì thế sản phẩm làm ra đến đâu đều được khách hàng mua đến đó.
Ông Hờ Chứ Ly, bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, là người được cha ông truyền lại cho nghề rèn. Từ khi huyện phát triển du lịch, ông nhận thấy có thể gắn các sản phẩm nông cụ này với du lịch nên đã mở xưởng ngay sát đường để kiếm thêm thu nhập. Với bàn tay khéo léo, ông đã cho ra lò những sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Người Mông ở vùng cao Mù Cang Chải coi trọng những công cụ lao động như là người bạn không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của họ, bởi các nông cụ này giúp họ tồn tại qua hàng nghìn đời. Trải qua năm tháng, nghề rèn vẫn được duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Nhận thấy giá trị văn hóa truyền thống cũng như nhu cầu thị trường, huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ kịp thời, khôi phục lại nghề rèn truyền thống nhằm tạo ra sản phẩm độc đáo phục vụ du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn các xã Nậm Khắt, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình và Kim Nọi có khoảng 30 hộ và 70 lao động tham gia làm nghề rèn, đúc. Nhờ được hỗ trợ cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng mà số sản phẩm làm ra đều đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, cuối năm ngoái, nghề rèn ở Mù Cang Chải được tỉnh Yên Bái công nhận là nghề truyền thống, cùng với đó nhiều công cụ cơ khí hiện đại đã thay thế sức người nên việc sản xuất cũng trở nên thuận tiện hơn.
Theo ông Sùng A Chua, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mù Cang Chải, thời gian qua, nghề rèn, đúc được tỉnh và huyện quan tâm hỗ trợ máy móc, nhà xưởng, tập huấn kỹ năng cho người thợ rèn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện sản phẩm chủ yếu phục vụ người dân địa phương và một phần du khách đến du lịch, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào. Những năm gần đây, các cơ sở nghề rèn đều có sản lượng tăng từ 7-10%, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân và là hướng phát triển kinh tế hộ gia đình của huyện.
Nghề rèn truyền thống của người Mông Mù Cang Chải không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần làm cho văn hóa người Mông trở nên đặc sắc hơn, tạo nên hình ảnh về con người, phong tục độc đáo của địa phương nhằm thu hút du khách khi đặt chân lên mảnh đất Mù Cang Chải.
Th. Hân