Thời giờ làm việc chỉ có thể phục hồi phần nào trong năm 2021 và 2022
Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dự báo thời giờ làm việc trong khu vực ASEAN chỉ có thể phục hồi phần nào trong năm 2021 và 2022.
Báo cáo COVID-19 và thị trường lao động ASEAN: tác động và phản ứng chính sách nhấn mạnh những tác động nặng nề mà đại dịch COVID-19 gây nên đối với các nền kinh tế ASEAN và đánh giá những kịch bản phục hồi có thể xảy ra.
ILO dự báo thời giờ làm việc trong khu vực ASEAN chỉ có thể phục hồi phần nào trong năm 2021 và 2022. |
Đại dịch đã tác động đến nền kinh tế và thị trường lao động của các nước ASEAN qua nhiều kênh khác nhau trong đó bao gồm cả việc chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus, sự suy giảm nghiêm trọng của ngành du lịch, mức sụt giảm của tiêu dùng trong nước và tác động thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo cáo tóm tắt cho biết, tính đến tháng 5/2021, các nước ASEAN đã phân bổ tổng cộng gần 16% GDP cho các phản ứng kích thích tài khóa. Tuy nhiên, cần thiết phải có thêm những hành động chính sách trong lĩnh vực an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ lao động để đảm bảo một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng lấy con người làm trung tâm ở khu vực ASEAN.
Mức tổn thất thời giờ làm việc của khu vực ghi nhận trong quý đầu năm 2021 là 6,1% và trong quý II là 6,2% (so với quý IV năm 2019). Dự báo làn sóng dịch COVID-19 đang tiếp diễn sẽ khiến điều kiện thị trường lao động nửa cuối năm 2021 còn trở nên tệ hơn nữa. Theo tính toán, trong năm 2021, ASEAN sẽ phải chịu mức tổn thất thời giờ làm việc là 7,4% đối với kịch bản cơ sở và lần lượt là 7% đối với kịch bản lạc quan và 7,9% đối với kịch bản tiêu cực so với thời điểm trước đại dịch.
"Cuộc khủng hoảng đã làm lộ rõ những mảng dễ bị tổn thương của các nền kinh tế và thị trường lao động trong khu vực. Với tình hình này có thể còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa, vấn đề cấp bách là các nước ASEAN phải đẩy nhanh các chính sách và chương trình giúp tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình, đồng thời tạo nền tảng vững chắc hơn cho việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người," bà Chihoko Asada - Miyakawa, Giám đốc ILO Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cho biết.
Một trong 3 ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN
Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN được ghi trong Hiến chương ASEAN.
Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) được bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN thông qua năm 2014 là một nỗ lực chung của các nước thành viên nhằm tạo ra một nền tảng để so sánh, đối chiếu các văn bằng, trình độ.
Cùng với đó, các nước ASEAN cũng đã thông qua lộ trình của Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay và ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.
Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN có nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình để thu hẹp khoảng cách cung cầu kỹ năng nghề trong ASEAN dựa trên cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, khai thác hệ thống này phục vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp; cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhóm yếu thế.
Những nỗ lực phát triển nguồn nhân lực cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục để có thể thực hiện thành công Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai. Việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN được xem là một minh chứng cụ thể, sinh động cho những hoạt động, sáng kiến của ASEAN trong phát triển nguồn nhân lực.
Đây chính là những hành động thiết thực nhằm thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực để có thể thực hiện thành công Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai.
Diệu Bình